XÉT NGHIỆM KHÁNG THỂ: ĐIỀU CHƯA TỪNG CÓ, NHƯNG SẼ PHẢI CÓ.
ĐỂ KHỎE MẠNH, MỌI SỰ ĐỀU BẮT ĐẦU VÀ TRỞ VỀ VỚI HỆ MIỄN DỊCH.
Quá vui mừng vì các nhà khoa học trở lại với quan điểm KHOA HỌC PHẢI BẮT NGUỒN TỪ THỰC TẾ CUỘC SỐNG, ĐẢM BẢO SỰ CÂN BẰNG CỦA VẠN VẬT.
Thay vì gây cuộc chiến với virus vi khuẩn, để tận diệt chúng, ta phải tìm cách chung sống hòa bình, biến chúng thành bạn chứ.
THẢI ĐỘC VÀ CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG, LỐI SỐNG LÀNH MẠNH, CÂN BẰNG - LÀ CÂU TRẢ LỜI CHO MỌI VẤN ĐỀ VỀ SỨC KHỎE.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng lên từ Vũ Hán, Trung Quốc, lan khắp thế giới, khiến hàng tỉ người buộc phải sống trong tình trạng bi phỏng tỏa toàn phần hoặc cục bộ. Vác-xin khó lòng hoàn thiện trước một năm. Thuốc điều trị đặc hiệu không thể sớm có. Phong tỏa cũng không thể kéo dài. Để ra khỏi giai đoạn ‘‘phong tỏa’’, ‘‘cách ly’’ thành công, xã hội hoạt động bình thường trở lại, nhiều quốc gia đặt niềm tin vào xét nghiệm kháng thể.
Riêng tại Pháp, cùng lúc với quyết định phong tỏa, kể từ giữa tháng 3/2020, chính quyền cũng ngay lập tức chuẩn bị cho một kế hoạch chấm dứt, một khi ‘‘đỉnh dịch’’ đã đi qua. Xét nghiệm kháng thể với virus gây bệnh Covid-19 được coi là biện pháp chủ yếu cho giai đoạn này, một ‘‘chìa khoá’’ của thành công. Ngày 30/03, bộ trưởng Y Tế Olivier Véran tuyên bố đặt hàng 5 triệu xét nghiệm kháng thể. Lãnh đạo bộ Y Tế nhấn mạnh xét nghiệm này sẽ cho phép xác định liệu người dân có đủ khả năng miễn dịch hay chưa, làm cơ sở cho quyết định dỡ bỏ ‘‘dần dần'’ tình trạng phong tỏa. Sau đây là một số yếu tố giải đáp.
***
Xét nghiệm kháng thể là gì ?
Ngược lại với các xét nghiệm lấy sinh phẩm trong mũi (thường gọi là xét nghiệm PCR), hay xét nghiệm kháng nguyên nhằm tìm kiếm sự hiện diện của virus gây bệnh trong cơ thể người, xét nghiệm kháng thể có mục tiêu xác nhận sự có mặt của các kháng thể, do hệ miễn dịch sản sinh ra để chống lại và loại trừ virus ra khỏi cơ thể. Không chỉ riêng với virus SARC-CoV-2 gây bệnh Covid - 19, xét nghiệm kháng thể là một kỹ thuật chẩn đoán được sử dụng từ lâu với nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác. Sự có mặt của kháng thể cho thấy đương sự '‘đã’' hoặc '‘đang'’ bị nhiễm virus. Theo giáo sư Antoine Flahault, chuyên gia về dịch tễ học, đại học Genève, kháng thể IgM có thể xuất hiện ngay từ ngày thứ 5 sau khi đương sự bị nhiễm virus. Tuy nhiên, điều đặc biệt quan trọng là khi kháng thể IgG xuất hiện đủ số lượng, điều đó có nghĩa là đương sự đạt được tình trạng miễn dịch với virus. Khả năng miễn dịch với virus gây bệnh là mục tiêu chính của loại xét nghiệm này.
'‘Giấy chứng nhận’’ ra khỏi phong tỏa
Nếu như xét nghiệm PCR nhằm khẳng định sự hiện diện của virus cho phép cách ly người bệnh ra khỏi xã hội, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thì xét nghiệm kháng thể cho phép khẳng định ai đã từng bị nhiễm virus, và cơ thể đã đạt được khả năng miễn dịch với virus (trong một thời gian nhất định). Xét nghiệm này cho phép từng cá nhân trở lại với cuộc sống bình thường, xác định được tình hình dịch bệnh nói chung, làm cơ sở ra quyết định bãi bỏ phong tỏa đối với toàn bộ dân cư, hay với từng khu vực, từng nhóm dân cư lớn. Lợi thế của xét nghiệm bằng xét kháng thể là có thể phát hiện được virus đã xâm nhập cơ thể, cho dù đương sự không hề có triệu chứng. Mà, số lượng người nhiễm virus gây bệnh Covid - 19, không có dấu hiệu bệnh lý, nhìn chung được giới khoa học đánh giá là rất cao, cao hơn nhiều so với những người xét nghiệm dương tính với SARC-CoV-2.
Xét nghiệm này cũng cho phép trả lời cho những câu hỏi như : ‘‘Liệu đã có 30% hay 80% dân số từng tiếp xúc với virus?’’, như nhà virus học Marc Eloit, phụ trách ê kíp tìm kiếm các mầm bệnh mới (Viện Pasteur, Paris) đặt ra. Nếu khoảng 60% đến 80% dân cư có được khả năng miễn dịch, thì theo các chuyên gia, dịch Covid-19 sẽ chấm dứt. Về tầm quan trọng của xét nghiệm kháng thể, trả lời AFP, tiến sĩ François Blanchecotte, chủ tịch Nghiệp đoàn các Nhà sinh học Pháp, đại diện cho các trung tâm xét nghiệm, nhấn mạnh: ‘‘Vấn đề trung tâm hiện nay là làm thế nào để có thể bảo đảm điều kiện an toàn cho mọi người trở lại làm việc’’. Tại Ý, chủ tịch vùng Venetia, Luca Zaia, đã đề nghị cấp cho những người đi làm một thứ ‘‘thẻ’’, sau xét nghiệm kháng thể, xác nhận họ không phải là nguồn lây nhiễm. Tại Đức, một đại diện của Trung tâm nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm Helmholtz, giải thích với nhật báo Der Spiegel, là có thể có ‘‘một giấy chứng nhận’’ cho những người có khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2, để họ tiếp tục công việc bình thường.
Xét nghiệm kháng thể giá thành tương đối rẻ, được thực hiện đơn giản, nhanh (thông thường trong vòng từ 10 đến 15 phút cho ra kết quả), rất phù hợp với mục tiêu tầm soát dịch tễ với các cộng đồng lớn. Ông Larry Abensur, chủ tịch Biosynex, công ty số một châu Âu về các xét nghiệm nhanh và tự xét nghiệm, nhận xét như trên.
Những gì cản trở thành công ?
Sử dụng xét nghiệm với mục tiêu tổ chức bãi bỏ tình trạng phong tỏa một cách an toàn có thể coi là điều chưa từng có trong lịch sử y tế thế giới. Khủng hoảng chưa từng có đòi hỏi biện pháp chưa từng có.
Vấn đề quan trọng hàng đầu dĩ nhiên là tính chính xác của xét nghiệm. Trong một cuộc họp báo thường ngày hôm 31/03, tổng cục trưởng Y Tế Pháp Jérôme Salomon lưu ý : ‘‘Các xét nghiệm kháng thể bắt đầu đến với toàn thế giới, đây là các loại xét nghiệm chưa từng có. Như vậy cần phải bảo đảm, độ nhạy của chúng, về khả năng không đưa ra các trường hợp âm tính giả, dương tính giả’’. Theo tiến sĩ François Blanchecotte, chủ tịch Nghiệp đoàn các nhà sinh học Pháp, thì để đạt được độ chính xác tối đa, công thức tối ưu có thể là sử dụng phối hợp hai loại xét nghiệm, để xác định kháng nguyên (virus) và xác định kháng thể, để bảo đảm đương sự được miễn nhiễm trước virus (xét nghiệm kháng thể) và trong người không còn mang virus, có khả năng lây nhiễm (xét nghiệm PCR).
Một khó khăn khác đặt ra, như nhà virus học Frédéric Tanguy, người đứng đầu phòng Virus và Miễn dịch của Viện Pasteur, Paris, lưu ý là cần bảo đảm để các xét nghiệm không nhận lầm các kháng thể chống virus corona SARS-CoV-2 với những kháng thể chống lại các virus corona khác, bởi hàng năm một bộ phận đáng kể dân cư nhiều nơi nhiễm virus corona các loại. Chính ở đây có một vấn đề mới rất quan trọng khác mà nhiều nhà y học quan tâm hiện nay là liệu các kháng thể chống một virus corona khác có thể đồng thời giúp miễn dịch với virus corona gây bệnh Covid-19 hay không (tức ‘‘cơ chế miễn dịch chéo’’) ?
Chế tạo và sản xuất quy mô lớn xét nghiệm kháng thể để đối phó với dịch bệnh là điều chưa từng có. Riêng về dịch Covid-19, cho đến nay chưa có quốc gia nào đưa ra các thông tin về việc sử dụng các xét nghiệm kháng thể với số lượng đủ lớn, kể cả Trung Quốc là tâm dịch của thế giới trong giai đoạn đầu tiên. Trả lời Le Figaro, nhà virus học Marc Eloit, phụ trách phát triển xét nghiệm kháng thể (Viện Pasteur) đặt câu hỏi: Vì sao Trung Quốc chưa hề công bố gì về tỉ lệ những người có kháng thể với virus gây bệnh Covid - 19 tại Vũ Hán và ngoài khu vực này? Trong khi đó, điều đáng chú ý là Trung Quốc đã chế tạo được từ sớm xét nghiệm kháng thể với Covid - 19. Và hiện đã có nhiều công ty Trung Quốc bắt đầu cung cấp sản phẩm này ra thị trường, thậm chí đa số các công ty sản xuất xét nghiệm kháng thể hiện nay trên thế giới là của người Trung Quốc.
Sau khi được bảo đảm về chất lượng, trở ngại tiếp theo của xét nghiệm kháng thể là số lượng hàng không đủ bán. Theo một người phụ trách một liên minh các cơ sở xét nghiệm miền bắc nước Pháp, thì ‘‘nhu cầu thế giới về lĩnh vực này là rất lớn, mà khả năng sản xuất lại có hạn’’.
Cơ hội nhận ra ‘‘những trợ thủ bên trong’'
Theo một ước tính của giới y khoa, khoảng 80% người nhiễm virus Covid là ở thể lành tính, hay tự khỏi, tự cơ thể lập lại cân bằng. Điều đó có nghĩa là sức đề kháng tự nhiên của mỗi con người là rất lớn. Trong phòng chống dịch, hỗ trợ thúc đẩy tiềm lực sẵn có này để chiến thắng hay hoá giải virus, hoặc xác nhận đã miễn dịch với virus là một phần rất căn bản. Nhận biết được những trợ thủ bên trong cơ thể con người là yếu tố vô cùng quan trọng. Xét nghiệm kháng thể chính là cơ hội để giúp chúng ta nhận ra những người bạn bên trong ấy trong “cuộc chiến” với virus: đối thủ chung. Các chiến lược phòng chống dịch, nếu tận dụng tối đa cái phần kỳ diệu của thiên nhiên trong mỗi con người đó, sẽ có thể diễn ra một cách uyển chuyển, sát hợp với thực tại, giảm thiểu tối đa các chi phí không cần thiết (đặc biệt là việc phong tỏa, cách ly quá mức).
Phát hiện kháng thể cũng cho phép xác nhận khả năng miễn dịch của một cá nhân, của một cộng đồng. Đây là sự xác nhận trên cơ sở khoa học, chứ không phải chính sách ‘‘miễn nhiễm cộng đồng’’ mà một số chính trị gia đưa ra trong thế bị động (ví dụ Anh Quốc), để chống chế, khi bị đại dịch đẩy vào chân tường. Tuy nhiên, để thành công, biện pháp xét nghiệm kháng thể, với điều kiện xét nghiệm bảo đảm về chất lượng, cũng phải được thực hiện một cách hợp lý, trong sự phối hợp với các biện pháp khác. Đây cũng rất có thể chính là lý do khiến chính phủ Pháp quyết định tổ chức ‘‘ra khỏi phong tỏa một cách từ từ’’, để bảo đảm dịch bệnh, đầy bí ẩn này, còn trong tầm kiểm soát. Thời gian chấm dứt hoàn toàn phong tỏa có thể sẽ phải kéo dài nhiều tháng.
Quan hệ giữa con người và Tự nhiên: Hướng đến thay đổi
Khủng hoảng Covid-19 được nhiều nhà khoa học ghi nhận như là một hệ quả đã được báo trước của một cuộc đại khủng hoảng sinh thái, khi các hoạt động khai thác kiệt quệ thiên nhiên hoang dã tạo điều kiện cho nhiều loài virus nguy hiểm tăng tốc xâm nhập vào xã hội loài người.
Việc con người buộc phải sử dụng rộng rãi xét nghiệm kháng thể để hãm dịch, cho thấy sức mạnh tự điều chỉnh của Tự nhiên bên trong mỗi con người - vốn đã được các môn y học, sinh học, khoa học về sinh thái dầy công khám phá - một lần nữa có cơ hội được đông đảo xã hội trân trọng hơn. Hợp tác với những cơ chế miễn dịch tự nhiên hơn bao giờ hết trở thành giải pháp hiệu quả, tiết kiệm, để đẩy lùi dịch bệnh. Thời gian phong tỏa, cách ly cũng là lúc cho chiêm nghiệm.