CHẾ ĐỘ ĂN CHỮA BỆNH

08/11/2017

Tôi biết về chế độ ăn “Low Carb” lần đầu vào quãng năm 1996, khi đọc một tờ báo tiếng Anh trên chuyến bay của Singapore Airlines. Thế rồi cách đây mấy năm, hai từ “Low Carb” được nhắc tới ở TransViet khá nhiều, vì hầu hết các em gái đểu hăm hở theo chế độ đó, với mong ước sẽ có một thân hình lý tưởng. Lúc đầu, tôi không để ý lắm, vì “nhu cầu được đẹp” là mong muốn của tất cả mọi người. Vài tháng trôi qua, cho đến khi tôi chợt thấy có một lũ đàn bà đi lại xiêu vẹo, mặt mày ủ rũ, da tái nhợt trong công ty, thì tôi phát hoảng. Hôm đó, khi đi trong tháng máy, tôi chặn Tina Huyen đinh lại hỏi: “Này, bọn em ăn kiểu gì thế?”, thì được trả lời: “Bọn em chỉ ăn thịt nạc và rau, mỗi ngày ăn ít nhất là 500 đến 1 kg thịt nạc, không được ăn thịt mỡ, không chất béo, tuyệt đối không ăn tí chật bột chất đường nào”. Nghe vậy, tôi xuýt ngất xỉu tại chỗ, nhưng vẫn kịp rú lên: “Bọn em lên cơn điên hết rồi à? Ăn vậy thì đi thăm bệnh viện sớm lắm đấy. Có ai mà ăn nhiều thịt vậy không hả trời, làm sao tiêu được?”.
Và tôi bắt đầu tìm hiểu. Cũng mất vài ngày, tôi mới chợt nhận ra một điều: hóa ra hai từ Low carb nó làm cho thiên hạ hiểu nhầm, rồi cứ thế cắm đầu thực hiện mà không hề suy nghĩ đến hậu quả. Thực ra chỉ có hai chế độ ăn kiêng tiêu biểu: Một là “High Carb, Low Fat, Low Protein – tức là ăn nhiều chất bột, ít chất béo và chất đạm”. Còn chế độ ngược lại là “Low carb, High Fat – tức là ăn đạm vừa phải, nhiều chất béo, ít chất bột và đường”. Thì ra chế độ ăn của ông Atkins – một bác sĩ cực kỳ nổi tiếng do đã đưa ra một chế độ ăn uống để chữa khỏi bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch…cho hơn 60,000 bệnh nhân tại Mỹ, mà lại bị “tam sao thất bản” thành cái chế độ ăn “kinh khủng” như các cô em TransViet hồi đó “đua đòi”.
Nguy hiểm thật đấy. Không biết có tổng số bao nhiêu người đã phải chịu hậu quả của cái vụ “hiểu không đến nơi đến chốn, mà dám đi tuyên truyền” về ăn kiêng như vậy nữa?
Nhưng nói cho công bằng, cũng nhờ có cái vụ đó, mà lần đầu tôi nghe đến tên bác sĩ Atkins.

Để rồi năm ngoái, khi sáng chữa dị ứng tại Soukya, chợt thấy trên giá sách có quyển “Dr. Atkins’ Health Revolution”, bèn năn nỉ xin. Vậy là Dr. Mathai dùng nó làm quà tặng cho tôi trước hôm về.
Thực ra, kể từ khi đọc quyển “Sự ngạc nhiên lớn về chất béo – The big fat surprise” hồi tháng 4 năm 2016, tôi đã bắt đầu giảm đáng kể lượng chất bột (cụ thể là cơm gạo lức) hàng ngày cho cả gia đình. Để bù đủ calories cho cơ thể, tôi tăng dần lượng chất béo từ dầu olive extra virgin và dầu dừa lên khá nhiều. Nhà tôi có 4 người, mỗi tháng ăn hết tổng cộng quãng 10 lít dầu olive và dầu dừa. Trước đó, đạm động vật được dùng ở nhà tôi hầu như chỉ là cá và thịt gà, thì sau đó, tôi đưa trở lại thực đơn toàn bộ các loại có trên thị trường: bò, lợn, dê, đồ biển - tóm lại là con gì có là ăn. Vì vậy, cái bếp nhà tôi trở nên rất sinh động và hấp dẫn trong vòng gần 2 năm trở lại đây, với đủ món đông tây kim cổ của cả Á, Âu, thậm chí Phi và Mỹ Latin.
Hôm nay, nhìn vào cái bụng của Hoàng Huy, tôi buột mồm khuyên: “Em thử ăn theo chế độ của ông Atkins đi”. Không ngờ hắn đồng ý ngay.
Thực ra, tôi ăn gần với chế độ Atkins 40 theo đường link này đã gần một năm nay (https://www.atkins.com/how-it-works/atkins-40), thấy kết quả rất tốt. Không biết có phải nhờ thay đổi từ chế độ ăn nhiều cơm gạo lức sang chế độ nhiều chất béo tốt, ít bột, mà theo như bạn bè nói là thời gian này trông da tôi đẹp, săn và mịn hơn?

Tôi đang đọc và tìm hiểu kỹ hơn, để chuẩn bị mấy bài viết cụ thể chế độ ăn Atkins, và đưa ra các lời khuyên cụ thể cho từng loại bệnh phù hợp với chế độ ăn này.
Tôi cũng đang ăn thử trong một tuần, bắt đầu từ hôm nay. Thêm việc Hoàng Huy tình nguyện làm thỏ thí nghiệm, chắc trong vài tuần tới sẽ có nhiều thông tin có ích cho mọi người.