Để Khỏe Mạnh. Bài 1.

ĐỂ KHỎE MẠNH. Bài 1.

16/10/2018 Nguồn: https://www.facebook.com/bichha.tran.94/posts/2122051531152575

 

Tình cờ, tìm được quyển sách cực hay: https://www.amazon.com/How-Be-Well-Happy-Healt…/…/1328904784 của Dr. Frank M.D. Lipman.

"Làm thế nào để hạnh phúc và khỏe mạnh" - Dr. Frank Lipman.

Mặc dù lúc đầu được đào tạo là bác sĩ tây y, nhưng ông là người đi tiên phong về các phương pháp chữa bệnh tuân thủ quy luật thiên nhiên, đi vào gốc rễ của căn bệnh để xử lý. Ông quan niệm rằng: sức khỏe không chỉ đơn giản là sự vắng mặt của bệnh tật. Sức khỏe là tổng hòa của sự khỏe mạnh vật lý của cơ thể, thần kinh và tinh thần, cộng với sự lành mạnh trong các mối quan hệ xã hội. Ông là tác giả của 5 quyển sách về sức khỏe bán chạy nhất của New York Times.

Ông học ngành y tại Nam Phi. Năm 1984, ông nhập cư vào Mỹ, làm Giám đốc trung tâm chữa bệnh tại bệnh viện ở Bronx, New York. Cũng bắt đầu từ thời gian này, ông theo học về các phương pháp chữa bệnh bằng cách kết hợp chế độ dinh dưỡng, các loại thảo dược và thực phẩm chức năng, các phương pháp y học cổ truyền, đặc biệt là của Trung quốc, cùng với tập yoga và thiền. Ông nhìn vào cơ thể và đánh giá về bệnh tật trong một thể thống nhất, chứ không chỉ nhìn vào khu vực bị bệnh để chữa triệu chứng như tây y đã và đang làm.

Ông quan niệm: Thải độc và phục hồi đường ruột (hệ tiêu hóa) là hai vấn đề gốc rễ trong việc chữa trị mọi bệnh tật – hai nhân tố vẫn thường bị bỏ quên. Ngày nay, khái niệm “y học tích hợp” (integrative medicine) đang được quan tâm rất nhiều. Phương pháp y học này chú trọng vào vai trò của tâm – thể - trí, tìm ra những nguyên nhân gốc rễ gây bệnh và lấy lại sự cân bằng tự nhiên của cơ thể trước khi buộc phải sử dụng thuốc hoặc can thiệp y tế. Trong đó, ta cần đặt ra rất nhiều câu hỏi: Chế độ ăn của bạn thế nào? Giấc ngủ của bạn có chất lượng không? Ai là người chăm sóc bạn và bạn cảm thấy thế nào khi ở một mình? Đây chính là những yếu tốt chính để quyết định một sức khỏe tốt hay không – thực phẩm, sự điều độ, môi trường và những mối quan hệ luôn phản ánh và tương quan lẫn nhau.

Tình trạng sức khỏe thường là kết quả của những thói quen, những điều diễn ra hàng ngày: bạn có thể ăn những thực phẩm sạch và tinh khiết nhất trên thế giới, nhưng nếu bạn vẫn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và ủ rũ, hoặc bạn duy trì chế độ tập tành hàng ngày cật lực cho đến khi không thể duy trì được nữa - bạn vẫn không thể đạt được đến sự mạnh khỏe lâu dài như mong muốn. Điều này có nghĩa là: không phải những gì đang làm và giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh hơn hôm nay, sẽ vẫn tiếp tục phát huy lợi ích vào năm hay mười năm tiếp theo.

Thay đổi và xây dựng một sức khỏe vàng chính là hành trình dài, không chỉ là trạng thái “lành mạnh” nhất thời, trong đó, mỗi chúng ta phải làm chủ cả trạng thái tinh thần và thể chất của chính mình, lắng nghe tiếng nói của cơ thể mình thật tốt. Mỗi người là một cá thể riêng biệt, sở hữu một Tâm – Thể - Trí duy nhất chứ không phải là một cái máy phù hợp với tất cả những nguyên tắc khắc nghiệt chung. Trong khi đó, hầu như chúng ta vẫn chỉ thường được khuyên một cách chung chung rằng hãy ăn thật nhiều rau củ, thanh lọc cơ thể, phòng ngừa bệnh tật và ngủ đủ giấc – nhưng mỗi người lại cần những cách để có thể kết hợp các yếu tố này hợp lý nhất cho bản thân. Rau cải hay súp lơ; thức đêm hay ngủ sớm; leo núi hay bơi lội – bạn hãy tự tìm cho mình những lựa chọn phù hợp nhất và duy trì thành lối sống. Và phải nhớ rằng, các nhu cầu và chế độ hợp lý của bạn có thể và sẽ thay đổi trong từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Cũng có nghĩa là: đừng nghĩ rằng cơ thể như một cỗ máy, cái nào cũng giống nhau, mà trước tiên phải hiểu thật rõ chính bản thân mình.

Đó chính là lý do vì sao bạn phải lên được phác đồ “Để Khỏe Mạnh”, thiết kế dành cho riêng bạn, nếu bạn muốn làm chủ chính sức khỏe của mình thay vì chỉ nghe hoặc làm theo những lời khuyên cứng nhắc.

Từ bài viết này trở đi, tôi sẽ cố gắng đưa ra những phương pháp, cùng với menus và giải pháp cụ thể, với hy vọng ai cũng có khả năng tìm ra cho mình một danh sách tổng hợp của các menus phù hợp nhất cho mình. Bạn không phải và không nên bắt đầu tất cả cùng một lúc, mà hãy thử bất cứ những bước nào mà bạn cảm thấy đơn giản và phù hợp với bản thân – rồi kiên trì thực hiện hàng ngày từng bước nho nhỏ đó, để nó trở thành thói quen trong cuộc sống. Và cứ như thế, bạn sẽ tiếp tục những bước “nho nhỏ”, để rồi tổng hợp lại – nó sẽ là bước tiến dài, có sức mạnh thay đổi toàn bộ cuộc sống và sức khỏe của bạn một cách cơ bản và lâu dài. Bạn sẽ luôn cảm thấy khỏe mạnh, hạnh phúc và trẻ trung, và cảm thấy dường như tuổi trẻ đang được kéo dài vô tận.

Tóm lại, “Sức khỏe luôn nằm trong tay bạn” mà thôi.