Cách Ủ Phân Hữu Cơ

CÁCH Ủ PHÂN HỮU CƠ

25/09/2020 Nguồn: https://www.facebook.com/bichha.tran.94/posts/3611597252197988
CÁCH Ủ PHÂN HỮU CƠ.
Đây là bài viết trích từ tài liệu của tổ chức FAO, do chị
Tuyet Minh
chia sẻ. Xin cám ơn chị Minh, và các anh chị trong tổ chức FAO - những người tư vấn kỹ thuật cũng và biên soạn tài liệu này. Nó thực sự có ích cho những người "tập tễnh" bước vào nghề nông như mấy cô cháu bọn em.
Thực hiện các bước ủ phân theo phương pháp ủ hiếu khí (compost) như thế nào?
Composting là phương pháp ủ phân nhờ hoạt động trực tiếp hay gián tiếp của vi sinh vật hiếu khí phân hủy phân động vật và các phế thải thực vật, tạo nên phân
bón hữu cơ giàu chất dinh dưỡng. Quá trình lên men và nhiệt độ tự sinh của đống phân ủ sẽ tiêu diệt được phần lớn các mầm bệnh nguy hiểm.
1. Chuẩn bị địa điểm:
• Chọn nơi thuận tiện cho việc sử dụng phân và vận chuyển nguyên liệu;
• Chọn nơi khô ráo, không bị ngập nước;
• Chọn nơi có nền đất hoặc nền xi măng khô ráo hoặc chuồng nuôi bò bỏ không để tận dụng mái che;
• Nên làm rãnh xung quanh cho nước chảy vào hố gom, tránh nước từ đống ủ phân chảy ra ngoài khi tưới nước quá ẩm;
• Diện tích nền: 3m²/1 tấn phân ủ.
2. Chuẩn bị nguyên liệu:
• Một phần phân gia cầm để cung cấp các vi sinh vật cần thiết cho quá trình bắt đầu ủ phân;
• Một phần chất độn có nguồn gốc từ thực vật (rơm, dăm bào, trấu, cỏ khô, v.v...).
Các chất độn cần phải xốp để không khí có thể lọt qua;
• Phân gia cầm lẫn đệm lót nuôi nền, tơi xốp thì mang ủ luôn, không cần bổ sung chất độn;
• Rất cần có nước (hỗn hợp ủ phải có độ ẩm khoảng 50 %) để vi sinh vật hữu ích hoạt động được.
3. Cách làm đống ủ phân:
• Có thể làm đống ủ xếp lớp, đánh luống hoặc ủ trong nhà.
• Kích thước đống ủ: Chiều cao từ 1 - 1,2 m; chiều rộng từ 1,5 - 2 m; chiều dài tùy thuộc lượng phân và chất thải có nguồn gốc thực vật.
• Các lớp nguyên liệu ủ được bố trí như sau:
- 30 cm chất độn lót có nguồn gốc từ thực vật (lớp đậy trên cùng)
- 15 cm phân gia cầm
- 15 cm chất độn lót có nguồn gốc từ thực vật
- 15 cm phân gia cầm
- 30 cm chất độn lót có nguồn gốc từ thực vật (lớp dưới cùng)
• Có thể sử dụng ống cấp khí cho đống ủ theo cách của dự án “Trình diễn kỹ thuật ủ phân gia súc và ứng dụng cho các trang trại trồng trọt để tăng năng
suất cây trồng tại tỉnh Nghệ An” do Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật bản (MAFF) tài trợ, năm 2015.
- Sử dụng ống nhựa PVC, đục các lỗ nhỏ đường kính 8mm, cách nhau 50mm dọc theo ống (xem hình 53);
- Đặt 2 - 3 ống nhựa đục lỗ gần đáy đống ủ (xem hình 54);
- Đổ phân, chất độn lót có nguồn gốc từ thực vật thành các lớp lên trên (xem hình 55).
- Tưới nước làm ẩm từng lớp (xem hình 56).
4. Che đậy đống ủ:
• Sau khi làm xong đống ủ, có thể làm tấm che phủ bằng lá, bằng bạt, bao tải dứa, nilon để giữ nhiệt, giữ ẩm và tránh ánh nắng chiếu trực tiếp hoặc mưa vào
đống ủ làm chết vi sinh vật (Xem hình 57).
• Thời tiết lạnh cần che đậy kỹ hơn để giữ nhiệt độ.
5. Theo dõi quá trình ủ phân
Quá trình phân huỷ chất ủ xuất hiện do hoạt động của vi sinh vật và en-zym có trong phân gà.
� Giám sát hàng ngày nhiệt độ ống phân ủ:
• Trong vài ngày đầu, nhiệt độ tạo ra có thể đạt 60 độ C đến 70 độ C.
• Sau 7 - 10 ngày, nhiệt độ giảm. Khi nhiệt độ giảm xuống dưới 50 độ C, cần phải nâng nhiệt độ lên bằng cách đảo đống phân đang ủ lên và thêm nước.
• Kiểm tra nhiệt độ bằng nhiệt kế thủy ngân 100 độ C: buộc cố định nhiệt kế vào một que cứng, sao cho đầu nhiệt kế thụt ngắn hơn đầu que để tránh làm gẫy đầu nhiệt kế. Chọn vị trí thuận lợi, xiên đầu que có buộc nhiệt kế vào giữa đống phân ủ.
Để chừng 5 phút thì rút que buộc nhiệt kế ra, lau qua rồi đọc nhiệt độ (xem hình 58).
• Nếu không có nhiệt kế thì dùng phương pháp dây thép dài: Sử dụng một sợi dây thép dài (đường kính khoảng 2 - 3 mm) và xiên sâu vào giữa đống phân ủ trong vòng 5 phút, sau đó rút ra và nhanh tay chạm vào sợi dây:
- Nếu chạm được ít nhất hai lần trước khi ngón tay bị quá nóng có nghĩa là nhiệt độ khoảng trên 60 độ C.
- Nếu có thể chạm sợi dây bốn lần trở lên có nghĩa là nhiệt độ dưới 50 độ C.
� Đảo đống ủ, để:
• Cung cấp thêm ô-xy cho vi sinh vật phát triển;
• Trộn đều vi sinh vật trong đống ủ;
• Bổ sung thêm nước cho vi sinh vật phát triển thuận lợi nếu đống ủ bị khô (xem hình 59).
� Thời gian ủ: 30 - 40 ngày.
6. Một số lưu ý
Sau hai ngày mà nhiệt độ đống ủ không lên là quy trình ủ bị sai.
Các lỗi thường gặp:
• Không đủ hai nguyên liệu: Nguyên liệu từ thực vật và phân gà;
• Độ ẩm không phù hợp: Quá khô hoặc quá ướt;
• Không đủ ô-xy do nguyên liệu ủ không xốp;
• Mất nhiệt do không che đậy kỹ;
• Giải pháp khắc phục: Ủ lại ngay, bổ sung những yếu tố còn thiếu.
Chú ý:
- Không rắc vôi bột;
- Không để nguyên liệu quá khô;
- Không để đống ủ bị ngập nước/thừa nước;
- Không ủ dưới hố hoặc bể;
- Không dẫm lên đống ủ;
- Chất độn lót là mùn cưa hoặc trấu thường không đủ độ xốp, do đó, cần bổ sung thêm rơm rạ hoặc phế phẩm thực vật khác để đảm bảo độ thoáng (lưu ý cắt ngắn chất độn khoảng 10 - 20 cm);
- Nếu chất độn lót khô nên tưới nước trong khoảng 12 giờ trước khi ủ phân.
7. . Cách kiểm tra độ ẩm đống ủ: Dùng tay nắm chặt các nguyên liệu đa trộn đều và quan sát:
• Thừa ẩm:
- Nắm chặt tay và thấy nước rỉ ướt các ngón tay.
- Nắm chặt tay, sau đó xòe bàn tay, các nguyên liệu vẫn liên kết chặt thành khối với nhau, bàn tay ướt.
• Thiếu ẩm: Nắm chặt tay, sau đó xòe bàn tay, các nguyên liệu tơi, rời rạc ra.
• Ẩm vừa: Nắm chặt tay, sau đó xòe bàn tay, các nguyên liệu liên kết thành khối tơi nhẹ, bàn tay ẩm là độ ẩm vừa.