Giấm táo có tác dụng rất tốt với sức khỏe. Trước bữa ăn độ 30 – 60 phút, bạn hãy uống một cốc nước pha với 2 thìa canh giấm táo, hệ thống tiêu hóa sẽ được trợ giúp để làm việc tốt hơn. Ai đau dạ dày hoặc hay bị trào ngược, có thể thấy ngay tác dụng của cốc nước này.
Sau gần 2 tháng thử nghiệm, tối qua tôi đã thu hoạch được 1 lít giấm táo ngon lắm. Chia sẻ để mọi người cùng thử nhé:
1. DỤNG CỤ: bạn sẽ cần mấy cái thẩu thủy tinh (càng to càng tốt, lọại 2 lít là tốt nhất), cái lọc bằng inox, cùng với nhiều vải màn sạch. Bạn cần thêm các loại chai thủy tinh 1 lít để đựng giấm thành phẩm
2. NGUYÊN LIỆU:
2.1. Táo tây đủ loại (có người hỏi táo mèo có được không, nhưng tôi không biết quả táo mèo nó thế nào). Sẽ chỉ cần vỏ và toàn bộ phần bỏ đi trong ruột quả táo (kể cả hạt)
2.2. Nước đun sôi để nguội (nếu dùng nước tinh khiết thì khỏi cần đun).
2.3. Đường mía
3. CÁCH LÀM: Để làm 2 lít giấm, bạn cần vỏ và ruột của 8-10 quả táo to, nếu táo nhỏ cần nhiều hơn. Bạn nên mua 2 đến 3 loại khác nhau, để giấm có nhiều chất, và mùi thơm đậm đà, vị cũng thanh hơn. Rửa táo thật sạch, gọt vỏ táo (nhớ để lại phần vỏhơi dày hơn khi bạn gọt bình thường), lấy toàn bộ phần vỏ và phần ruột (bạn vẫn hay bỏ đi), cho vào cái thẩu 2 lít (đến khi vỏ và ruột táo chiếm độ 2/3 thẩu). Lấy nước đã đun sôi để nguội, mỗi cốc 250ml pha vào độ 1 thìa canh đường mía, quậy tan đường, cho vào thẩu, cho đến khi nước gần đầy (nhớ đừng cho nước đầy quá, khi lên men sẽ bị tràn). Lấy đũa ấn cho vỏ và ruột táo ngập hết xuống nước. Chập 2 lớp vải màn trùm lên để đậy, buộc dây thun giữ cho vải cố định (không được đậy nắp kín nhé). Để thẩu vào chỗ tối (không có mặt trời chiếu vào), lưu ý làm sao để kiến không vào được. Sau độ 1 tháng, lấy vải màn (2-3 lớp) lọc lấy phần nước, còn xác bỏ đi. Nếm thử, nếu thấy chua vừa với vị của bạn, lọc kỹ lại, cho vào chai để tủ lạnh dùng dần. Nếu thấy chưa đủ chua, bọc vải màn để thêm độ 2-4 tuần. Còn phần thịt táo thì cả nhà phải xúm nhau ăn cho hết thôi, nếu làm bằng phần thịt, vị dấm sẽ không ngon.
Ai “xắc mắc” gì, xin cứ hỏi. Sáng nay, tôi đã cho thêm vào cốc nước thải độc hàng ngày 2 thìa giấm táo, thơm và ngon lắm. Tự làm, vừa đảm bảo vệ sinh, lại ngon, bổ, rẻ, chịu khó nhé các bạn
--------------------------
Cách làm giấm táo: bài bổ sung
CÁCH LÀM GIẤM TÁO TẠI NHÀ
Chúng ta có thể làm giấm táo tại nhà, tuy nó hơi phiền phức một chút do:
1. Giấm sẽ bốc mùi, nếu nhà kín, sẽ làm chúng ta phải ngửi cái mùi chua chua thơm thơm của giấm 24/24
2. Cần chỗ để trong 1 cái tủ, để ruồi, bọ...không chui vào “sinh con đẻ cái” trong thẩu giấm của chúng ta, nếu không sẽ có 1 thấu giấm thơm ngon, nhưng dòi bò lúc nhúc, trông khiếp lắm
3. Bạn nhớ rửa táo thật sạch, rồi ngâm với nước pha giấm + muối biển để khử hóa chất và diệt hết trứng giun (nếu chẳng may có ở vỏ táo)
Mình bắt đầu nhé:
- Bạn có thể làm từ hai phần bỏ đi của táo: vỏ và ruột táo (kể cả hạt). Hãy để chúng ở ngoài, dùng lồng bàn đậy lại cho khỏi bụi bặm và ruồi nhặng độ vài tiếng đến 1 ngày, cho đến khi màu của chúng chuyển thành nâu
- Cho số vỏ và ruột này vào cái thẩu thủy tinh (sao cho nó lên mức 2/3 thẩu).
- Lấy nước đun sôi để nguội, cứ mỗi cốc (250ml) pha vào 1 thìa canh đường (thìa gạt), quấy đều cho đường tan hết.
- Cho nước đã pha đường vào sao cho ngập lên trên số vỏ và ruột táo trong thẩu (nhớ là toàn bộ táo phải ngập dưới nước, nếu không nó sẽ bị mốc trắng)
- Dùng mấy lớp vải màn chập lại với nhau dậy trên miệng thẩu, buộc dây chun lại để giữ chặt.
- Để thẩu vào chỗ kín, trong tủ thì càng tốt (tránh ánh sáng, tránh ruồi nhặng)
- Sau độ 2-3 tuần, bạn sẽ thấy mùi thơm tỏa ra. Lúc này, bạn có thể lọc để lấy lại phần nước, vứt toàn bộ cái đi. Đậy nắp thẩu và để thêm độ 3-4 tuần.
- Bạn đã có thẩu giấm táo thơm ngon. Nếu thấy chưa đủ chua, bạn cứ đậy lại để thêm cho đến lúc vừa ý.
- Nếu đã đủ chua, bạn lọc lại cho vào chai, để vào tủ lạnh, nếu không giấm sẽ lên men chua tiếp
Nếu bạn làm bằng phần chính của táo, thời gian để tạo thành giấm sẽ lâu hơn nhiều: thường từ 2-3 tháng ở nhiệt độ mùa hè, hoặc tới 5-6 tháng ở nhiệt độ mùa đông
Chúc các bạn thành công với “công cuộc” làm giấm táo.
Nhớ là giấm táo có cực kỳ nhiều tác dụng, nếu bạn uống đều đặn hàng ngày.
Tôi thường uống nước có pha giấm táo (1-2 thìa canh) quãng 30-60 phút trước khi ăn. Ai muốn chũa tiểu đường, tim mạch, hoặc giảm cân, thậm chí phòng ngừa ung thư – nên dùng
giấm táo
Một tuần nay quyết tâm chữa cho dứt dị ứng, nhưng hao giấm táo quá đi. Mỗi ngày một mình tôi - vừa uống vừa bôi, tốn quãng hơn 150 ml. Nhìn lượng dự trữ, chỉ còn độ gần 3 lít – phải xắn tay vào làm nhiều một chút, còn chữa cho hết dị ứng chứ.
Được ngày thứ bảy rảnh rang, nàng đi Metro mua gần 6 kg táo của NZ. Về đến nhà, xắn tay áo nào rửa, nào ngâm giấm khử hóa chất (nếu chẳng may có). Rồi mẹ già gọt vỏ, con gái thái táo. Sau khi để cho táo hơi thâm lại, cho vỏ và ruột (cả hạt) vào 2 thẩu nhỏ, phần thịt táo, vừa vào một thẩu lớn (đúng cái thẩu hồi xưa hay làm dầu dừa, may vẫn còn cất trong kho).
Rồi pha nước đun sôi để nguội với tỉ lệ: cứ 1 lít nước thì cho vào 400 ml rượu (loại có độ cồn 30 độ), 4 đến 5 thìa đường (tôi dùng đường mía nguyên chất không tinh lọc). Quấy cho tan đường rồi đổ vào thẩu. Ba người hì hụi làm, vậy mà cũng mất quãng 4 tiếng đồng hồ. Kích rích ra phết.
Sau 6 tuần thì loại làm từ vỏ và ruột có thể dùng được, còn loại làm từ thịt thì phải chờ tới 3 – 4 tháng cơ. Mà mọi người biết không? Giấm táo làm từ vỏ và ruột tốt hơn giấm làm từ thịt táo, vì trong vỏ táo chứa rất nhiều chất tốt cho cơ thể.
Tương tự như vậy, khi ăn táo, nên ăn cả vỏ, nếu không, bạn làm phí đi một lượng vitamin, chất xơ và khoáng chất đáng kể. Các bạn có thể lo ngại về việc vỏ táo chứa nhiều hóa chất từ thuốc trừ sâu. Cũng vì vậy sau khi rửa sạch, tôi ngâm cả quả táo trong nước pha 30% giấm dừa quãng 1 tiếng để giấm hòa tan hết hóa chất trên vỏ táo.
Mong là Viet Healthy làm giấm táo đi, để chị dùng với Nguyễn Bá Dũng ơi. Làm được mấy thẩu giấm, chị đau lưng gần chết rồi đây này. Mà còn phải chờ lâu lắm mới được thu hoạch.