Nguyên Nhân Và Cách Chữa Dị Ứng Không Độc Hại

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH CHỮA DỊ ỨNG KHÔNG ĐỘC HẠI

22/09/2017

Tôi vốn có “cơ địa” dị ứng từ hồi còn bé tí. Toàn bộ những năm học phổ thông của tôi, là vài ngày khỏe mạnh, xen kẽ với các đợt dị ứng nổi mề đay triền miên. Đến quãng năm 18 tuổi, thì tự nhiên khỏi được vài chục năm, đến năm 2005, nó bắt đầu ồ ạt trở lại. Trong mấy năm trời, tôi đành phải dùng thuốc tây mỗi khi dị ứng tấn công. Từ khi thải độc thường xuyên bằng cách nhịn ăn 7 ngày, tình trạng có đỡ nhưng vẫn không khỏi hẳn.
Đến tháng 9 năm 2013: tôi bắt đầu thực hiện việc tẩy sỏi gan, mục đích chính là để chữa viêm gan siêu vi B. Chỉ sau quãng chục lần tẩy sỏi, tôi khỏi hẳn dị ứng, nên rất tò mò tìm hiểu lý do. Đọc khá nhiều tài liệu về các loại dị ứng, tôi hiểu ra rằng:
Lý do đầu tiên của dị ứng da (nổi mề đay, ngứa) là do hệ thống miễn dịch suy yếu, nhầm lẫn, nên báo động, mà lý do để nó báo động rất nhiều: do cơ thể chứa quá nhiều độc tố, bệnh tuyến giáp khiến hoc môn rối loạn...Khi đó, cơ thể tiết ra histamine, gây ứ nước dưới lớp tế bào của da, dẫn tới gây nổi mẩn và ngứa. Hệ thống miễn dịch chỉ có thể khỏe mạnh, khi ta có buồng gan khỏe mạnh. Sức khỏe của làn da luôn thể hiện tình trạng lá gan.
Và đó chính là lý do tôi luôn có lời khuyên khi mọi người hỏi: để giải quyết dứt điểm, hoặc ít nhất là làm giảm triệu chứng của dị ứng, việc đầu tiên cần làm là TẨY SỎI GAN. Khi gan được thải bớt độc tố thông qua việc tẩy sỏi, chắc chắn dị ứng sẽ khỏi hoặc giảm đáng kể.
Tôi đã khá chủ quan khi tin là mình chẳng bao giờ bị dị ứng nữa, cho đến đúng ngày mồng 1 tết vừa rồi: khi dị ứng xuất hiện trở lại. Lần này, nó khác hẳn hồi xưa, cứ khi hơi bị căng thẳng thần kinh, hơi mệt mỏi hoặc mất ngủ, là nó vùng dậy dữ dội. Không chỉ nổi mẩn ngứa, mà tôi còn bị cảm giác là có làn điện chạy dưới da, gây cảm giác như bị điện giật nhẹ. Tôi cứ tưởng mình lại bị nhiễm độc do ăn phải cái gì, nhưng làm tiếp tẩy sỏi gan, rồi nhịn ăn – không xi nhê gì. Vậy là lý do không nằm ở lá gan hoặc hệ thống tiêu hóa rồi.

Sau khi mầy mò đủ kiểu, thì tôi “tóm” được rất nhiều bài viết về sự liên quan giữa thần kinh và dị ứng da. Thì ra, tế bào thần kinh và tế bào da được tạo thành từ cùng một tế bào gốc. Quả là dịp từ quãng tháng 8/2015 cho đến trước tết, tôi đi lại quá nhiều, lại tham vọng thực hiện nhiều đề án cùng lúc. Bản thân tôi cũng thấy mình hơi căng thẳng quá.
Tình trạng cứ phập phù, cho đến cách đây quãng 3 tuần, tôi tìm được quyển sách online, nhan đề là: “Urticaria No More” – dịch là: “Kết thúc dị ứng da”. Tôi như vớ được vàng, bèn đọc ngay. Sách cũng khẳng định rằng: căng thẳng thần kinh (stress), quá bận rộn, là một trong những nguyên nhân lớn gây ra hoặc tăng nặng dị ứng. Ngoài các lời khuyên về thư giãn, tập tành, tác giả đưa ra chế độ ăn và nhịn xen kẽ như sau: mỗi ngày nhịn 20 tiếng, chỉ ăn trong 4 tiếng. Vậy là tôi bèn thực hiện ngay lập tức, bằng cách bỏ ăn sáng, ăn trưa vào lúc 16 giờ, và ăn tối lúc 19.30 – 20.00. Tôi thực hiện từ ngày 6 đến 13/6. Thật ra, lúc đầu tôi không hề tin, nhưng chỉ đến ngày 7/6 (tức sau 2 ngày), dị ứng giảm hẳn quãng 80%. Tôi không còn phải uống thuốc tây nữa, mừng húm. Sau ngày 13/6, khi ăn lại bình thường, thì ngay lập tức, dị ứng lốm đốm trở lại. Ngày 14/6 thì trở lại nhiều hơn. Tôi tò mò quá, bèn một mặt là lại tìm thông tin xem cái chế độ ăn “kỳ cục”, gần giống với ăn kiêng Ramadan gì đó của đạo Hồi, có những tác dụng gì? Mặt khác, tôi trở lại ăn lúc 4- 8 giờ chiều. Cứ như thần dược, dị ứng giảm ngay lập tức, và gần như khỏi hẳn sau 3 ngày. Cho đến giờ, tôi vẫn ăn chế độ này, với hy vọng là nó sẽ giúp trị dứt điểm căn bệnh. Hóa ra chế độ ăn, được gọi là “Intermitten fasting” – nghĩa là ăn và nhịn xem kẽ, được biết đến như một cách chữa bệnh đã hàng ngàn năm nay. Nó giúp chữa được khá nhiều căn bệnh, đặc biệt là tiểu đường, tim mạch, và với tôi thì dị ứng da. Có vẻ cách ăn này giúp cơ thể có 20 tiếng nghỉ, nên nó tập trung tiêu hóa đồ ăn khá tốt chỉ trong 2-3 tiếng. Tuy ăn trưa lúc 4 giờ, nhưng độ 7 giờ tối là tôi đói điên lên rồi. Ăn tối xong, chỉ độ 1 tiếng sau thấy bụng ngót hẳn, đi ngủ khá thoải mái. Lạ thế cơ chứ?
Tác giả cuốn sách cũng lưu ý: nên ăn nhiều chất béo tốt (tôi vẫn cứ cái bài dầu dừa lạnh và dầu olive extra virgin), độ 100 gr đạm/ngày, nhiều rau, trái cây, hạn chế tối đa ăn chất bột tinh và đường. Vì vậy, tôi thường ăn như sau:
- Bữa lúc 16 giờ chiều: uống 45 ml dầu dừa lạnh, sau 15 – 30 phút thì ăn rau trộn (salat), rau hấp hoặc xào, trứng luộc hoặc rán bằng dầu dừa, yogurt không đường hoặc fomai, một thìa hạt (vừng đen hoặc trắng, hạt bí, hạt chia...), có thể thêm ít thịt hoặc cá (nếu tiện). Bữa này tôi không ăn chất bột.
- Bữa tối: tôi ăn bình thường, cũng rau trộn, canh, thịt hoặc cá, hạn chế chất bột, nên chỉ ăn quãng 2-3 thìa canh cơm gạo lức trộn với đậu các loại.
Về thực chất, lượng đồ ăn tôi nạp vào cơ thể không hề kém nhiều so với lượng bình thường tôi vẫn ăn trước đây, với chế độ ngày ăn 3 bữa.
Kỳ diệu là dị ứng bớt rất nhanh, mấy hôm nay gần khỏi hẳn. Lúc xế chiều, thỉnh thoảng có cảm giác hơi ngứa ở hai bên gáy, nhưng không thấy nổi mề đay nữa. Cảm giác như có điện chạy dưới da cũng hết dần, nên tôi mừng quá.
Tôi xác định sẽ tiếp tục ăn như thế này thêm quãng một tháng nữa, để chữa cho dứt điểm hẳn, rồi mới trở lại ăn ngày ba bữa như bình thường. Thực ra, cế độ ăn này chỉ hơi gây phiền phức một chút, vì phải chuẩn bị cho bữa ăn lúc 4 giờ chiều, chứ rất dễ thưc hiện.

Các bạn thấy có lạ không?

À, bạn có thể nhịn 16 đến 18 tiếng, ăn trong 6 – 8 tiếng. Ví dụ: ăn bữa trưa lúc 2 giờ, tối lúc 8 giờ (chế độ nhịn 18 tiếng). Hoặc ăn trưa lúc 2 giờ, ăn tối lúc 8 giờ (chế độ nhịn 16 tiếng). Riêng chữa dị ứng, thì nên thực hiện nhịn 20 tiếng, ăn trong 4 tiếng, như cách tôi làm.

Ai quan tâm và biết tiếng Anh, có thể đọc link dưới đây để hiểu rõ 10 lợi ích của chế độ ăn này. Mai có thời gian hơn, tôi sẽ dịch tóm tắt để ai cần có thể tự tin áp dụng.

https://authoritynutrition.com/10-health-benefits-of-intermittent-fasting/