Từ năm 2009, sau khi tìm hiểu về các phương pháp thải độc, chế độ ăn uống lành mạnh, tôi cứ tưởng rằng mình đã nắm trong tay đủ vũ khí để tự điều khiển sức khỏe bản thân. Quả thật, từ năm 2012, sức khỏe của tôi được cải thiện thấy rõ, không còn cảnh ho hen cảm cúm triền miên. Đặc biệt sau hơn 1 năm tẩy sỏi gan địnhh kỳ, từ đầu năm 2015, bệnh dị ứng của tôi khỏi hẳn.
Thế rồi đầu năm 2016, nhiều chuyện căng thẳng ập đến. Tôi hầu như không nhận thấy thay đổi gì về sức khỏe trong mấy tháng đó. Rồi đột nhiên, đúng ngày mồng một tết, dị ứng quay trở lại. Lúc đầu, tôi ngạc nhiên lắm, vì hiểu rõ là về mặt vật lý, cơ thể tôi cực kỳ sạch cơ mà. Tôi vẫn thải độc thường xuyên, vẫn ăn uống lành mạnh – vậy thì cái gì xảy ra vậy?
Ngay sau tết, tôi tiến hành thải độc gan, để đo xem nguyên nhân gây dị ứng có phải do gan nhiễm hoặc chất chứa độc tố hay do căng thẳng thần kinh? Điều tôi dự đoán là đúng: sau khi tẩy sỏi lần đó, căn bệnh dị ứng không hề đỡ. Vậy là phải giải quyết khâu thần kinh, liên quan đến sự căng thẳng tâm lý rồi.
Lúc đó, tôi chưa hề có tí khái niệm và kiến thức gì liên quan đến việc thải độc thần kinh, để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Cái việc ngày nào cũng bị căn bệnh dị ứng hành hạ, làm tăng gấp bội sự căng thẳng tâm lý. Sau hơn một tháng, tôi bắt đầu phải dùng thuốc dị ứng, lúc đầu là 2 ngày một viên, sau đó là phải uống hàng ngày. Chỉ sau vài tuần, tôi cảm thấy những viên thuốc nhỏ xíu đó bắt đầu có tác động nặng nề lên thận và hệ tiêu hóa.
Đó là lúc tôi tìm hiểu về phương pháp Ayurveda của Ấn độ, và quyết định lao sang gặp bác sĩ Mathai tại trung tâm Soukya.
Ngay ngày đầu tiên, tôi được điều trị bằng liệu pháp tưới dầu lên trán, mỗi ngày một lần trong quãng 20 phút. Sau 2 ngày, các giấc mơ xuất hiện trong giấc ngủ. Trong ký ức hiện về những điều buồn bã, và tôi khóc khá nhiều khi tỉnh dậy. Để rồi một hôm, khi đang nằm tưới dầu, tự nhiên tôi bật khóc, và không thể nín được. Cô bác sĩ điều trị cho tôi bước vào, ôm lấy tôi hỏi han đủ chuyện. Sau một tuần, họ kết thúc liệu pháp tưới dầu, tâm trạng tôi trở nên vui vẻ dần, rồi đến một ngày thì trở nên cực kỳ lạc quan, chỉ thích ca hát nhảy múa.
Sau những cuộc nói chuyện dài với Dr. Mathai, tôi chợt hiểu rằng: chỉ thay đổi chế độ ăn uống, thực hiện các biện pháp thải độc cơ thể, bạn sẽ thấy khỏe mạnh lên rất nhiều, nhưng chưa hề đủ để bạn có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, và tự cân bằng được tâm lý, khi có những điều bất ngờ xảy ra, không nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
Điều cơ bản là bạn phải biết cách kết hợp các biện pháp để có sự khỏe mạnh về vật lý của cơ thể, cũng như sự minh mẫn, trong sáng, khỏe mạnh về thần kinh – để đối diện với sự phức tạp của cuộc sống. Bạn phải học cách tự cân bằng mọi điều trong cuộc sống, kết hợp giữa chế độ ăn uống, thải độc định kỳ, với các phương pháp thư giãn thần kinh hàng ngày.
Mấy tháng trước, khi mẹ tôi qua đời - tôi lại gần như sa vào cơn khủng hoảng tâm lý lớn. Vẫn biết mẹ ra đi là quy luật không thể tránh, vẫn biết nỗi buồn đau kéo dài nhiều khi thể hiện sự ích kỷ của bản thân, vì sẽ làm cho người đã ra đi khó siêu thoát. Tôi bị mất ngủ, và hệ tiêu hóa bắt đầu lên tiếng: các cơn đau thắt vùng thượng vị xuất hiện ngày càng nhiều.
Vậy là tôi ra quyết định: tránh hết sức việc nhắc đến mẹ, tránh tiếp xúc với bất cứ ai hay tìm cách chia sẻ nỗi buồn, hoặc động viên khuyến khích. Tôi nhờ người thông báo với bạn bè là đừng chia buồn, đừng nhắc đến nỗi buồn mất mẹ, đừng động viên an ủi - sẽ làm tôi nhớ đến mẹ nhiều hơn. Tôi không trả lời điện thoại, ngừng xem tin nhắn, cố tự mình vượt qua nỗi đau. Tôi tập yoga, vẫy kinh dịch, thiền mở luân xa, làm cafe enema, đi bộ, đi xe đạp, bơi, nhiều tiếng mỗi ngày. Và rồi sau quãng 2 tháng, tôi tự vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống vui vẻ. Những cơn đau thượng vị giảm dần rồi hết hẳn.
Lời khuyên của tôi:
1. Bước đầu tiên nên làm, vẫn là thải độc bằng các biện pháp mà tôi đã chia sẻ
2. Bước thứ hai: tập các phương pháp thư giãn thần kinh hàng ngày, mỗi ngày có khi chỉ cần vài chục phút, thậm chí vài phút:
2.1. Nếu có thời gian, bạn có thể tập các bài yoga nhẹ nhàng và thư giãn, 20 – 30 phút/ngày. Không tập nhiều, không tập các động tác quá khó và quá sức với bạn – vì đó có thể lại là nguyên nhân gây thêm căng thẳng.
2.2. Yoga cười (laugher yoga) là biện pháp nhanh và cực kỳ hiệu quả giúp bạn giải tỏa các căng thẳng thần kinh chỉ sau 10 – 20 phút (https://www.youtube.com/watch?v=o_0zj1tlSWU). Những lần đầu, mọi người trong nhà sẽ tưởng bạn phát điên, nhưng tốt nhất là giải thích, rồi sau đó kệ họ, việc mình mình làm, miễn là không có hại cho ai.
2.3. Thiền: tôi thích nhất mấy bài thiền mở luân xa, và đã tự tập từ tháng 8/2016, thấy tác dụng cực kỳ tốt (https://www.youtube.com/watch?v=jrh_dROY6hM; https://www.youtube.com/watch?v=NedVtGUS5Dc)
2.4. Hãy cho phép bản thân mình được sống và hành động một cách vui vẻ và hồn nhiên như con trẻ, ít nhất là vài chục phút, thậm chí là một vài tiếng trong một ngày. Bạn sẽ thấy mình được thư giãn, trở nên vui vẻ và sảng khoái hơn nhiều. Đừng tự gò ép mình vào những “luật lệ bất thành văn”, để rồi làm cho cuộc sống căng thẳng hơn mỗi ngày.
2.5. Hãy đơn giản hóa cuộc sống, đặt thứ tự ưu tiên và lập kế hoạch hợp lý cho các công việc trong ngày, tuần, tháng. Cố gắng tập luyện để hình thành những thói quen tốt cho tâm lý và sức khỏe. Đừng cố gắng để trở nên một con người hoàn thiện, vì nhiều khi, chính tâm lý muốn hoàn thiện mọi thứ sẽ đẩy ta vào khủng hoảng tâm lý.
3. Cuối cùng, thì chỉ có bản thân bạn có thể giúp mình khỏe mạnh, vui vẻ và hạnh phúc. Sức khỏe luôn nằm trong tay bạn (https://tiki.vn/suc-khoe-trong-tay-ban-p589399.html;http://thaihabooks.com/san-pham/suc-khoe-trong-tay-ban/)