Hướng Dẫn Cách Cho Trẻ Em Ăn Theo Từng Độ Tuổi

HƯỚNG DẪN CÁCH CHO TRẺ EM ĂN THEO TỪNG ĐỘ TUỔI

18/07/2018 Nguồn: https://www.facebook.com/bichha.tran.94/posts/1993438454013884

 

http://thaihabooks.com/san-p…/day-con-doi-khi-that-don-gian/

"Cám ơn Hoang Huy tìm được cho chị cái video để làm mẫu dưới bài viết. Mẹ của bé ơi, cô xin phép chia sẻ để ai cần có thể học hỏi nhé". Cám ơn cháu nhiều.

Có bầu và sinh con đã là một hành trình khá dài và vất vả của các bà mẹ, nhưng hành trình nuôi con cho đến khi chúng trưởng thành còn vất vả hơn nhiều lần. 
Sáu tháng hoặc một năm đầu tiên con được sinh ra, nếu so sánh một cách công bằng – thì có lẽ là giai đoạn đơn giản nhất của “Nghề làm cha mẹ”, vì khi đó các bé hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ, chưa có chính kiến, chưa biết cãi, cùng lắm chỉ khóc khi buồn hoặc đau, và toét miệng cười khi vui vẻ.

Vì vậy, lời khuyên CHÂN THÀNH NHẤT tôi muốn gửi đến các ông bố bà mẹ mới: xin đừng căng thẳng, Đừng "Phức Tạp Hóa" vấn đề một cách quá quắt, đừng “Nâng Tầm” việc ăn uống của bé thành một thứ “tín đồ”. Hiện tại, tôi thấy có hiện tượng nhiều bà mẹ trẻ hơi “tín đồ hóa” việc buộc phải cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất là 6 tháng, thậm chí đến tận lúc trẻ 2 tuổi. Hãy thư giãn, hãy cố làm tốt trong khả năng có thể, bởi vì nếu chỉ tập trung quá nhiều sức lực vào việc cho ăn, bạn sẽ làm mất các cơ hội phát triển khác về trí tuệ, thể chất...của con mình - mà thực sự những việc đó còn quan trọng hơn nhiều so với việc quá mất thời gian cho sự cầu kỳ trong ăn uống, để rồi đem đến căng thẳng cho cả gia đình, cũng không hay ho gì cho tâm lý của bé.

Nếu bạn đủ sữa, tốt quá, hãy cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn đến 4 tháng, thậm chí 6 tháng. Nhưng nếu bé phát triển bình thường, chậm nhất là 6 tháng phải bắt đầu cho bé tập làm quen với đồ ăn dặm. Nếu bạn ít sữa, hãy cho bé ăn thêm sữa công thức trong bất cứ giai đoạn nào. Đừng coi việc không đủ sữa như một “tội lỗi” của người mẹ. Và ông bà, bạn bè, hàng xóm, người quen biết…, cũng đừng nên chỉ chăm chăm hỏi là mẹ có đủ sữa không, rồi thao thao khuyên bà mẹ về chế độ ăn uống sao cho thật nhiều sữa. Mỗi người một ý, nếu bà mẹ trẻ không chịu nghe, hoặc không làm theo, thì sẽ bị lên án là ích kỷ, không thương con…

Chúng ta đều biết sự căng thẳng có hại thế nào đối với sức khỏe của bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Vậy thì xã hội hãy bớt Quan Trọng Hóa về những việc không cần phải quan trọng đến thế, để giúp các bà mẹ trẻ có thể nuôi con trong bình yên.

Mẹ có khỏe mạnh thì nguồn thức ăn của con là sữa mới tốt được. Nếu cơ thể mẹ chứa quá nhiều độc tố, mẹ còn ốm đau quặt quẹo, thì dòng sữa mẹ chắc chắn là bị ô nhiễm, làm sao con khỏe được? Hệ miễn dịch của mẹ không tốt, làm sao truyền được khả năng miễn dịch tốt cho con? Đến mấy năm gần đây, tôi mới hiểu là tại sao ngày càng nhiều đứa trẻ càng bú mẹ càng ốm yếu, bệnh tật? Trong trường hợp đó, cho con bú bình hoặc ăn dặm sớm một chút có lẽ còn tốt hơn là ăn phải nguồn sữa bị ô nhiễm từ chính bà mẹ.

Tôi băn khoăn lắm khi nhận được câu hỏi của những bà mẹ trẻ, mà theo tôi, sức khỏe cực kỳ có vấn đề. Tôi phải thực sự "uốn lưỡi mấy chục lần" để không thốt ra câu: "Cai sữa ngay đi cháu ạ, như thế tốt cho cả cháu và con hơn". Nếu đó là con gái tôi, tôi sẽ cương quyết khuyên con cai sữa đi, tốt cho cả nhà. Nhưng rốt cuộc, tôi vẫn chưa bao giờ dám thốt ra lời khuyên tự đáy lòng đó, chỉ vì tôi biết mình không thể cãi lại nổi với cả một trào lưu được coi là mới, là hiện đại và duy nhất tốt - nuôi con bằng sữa mẹ. Còn nếu bà mẹ nào quá ốm yếu mà vẫn muốn cho con bú, liệu có nên dừng cho bú lấy độ 1 tuần, thải độc đi, đẩy bớt độc tố ra ngoài đi, để nguồn thức ăn cho con đỡ bị ô nhiễm? Thế mới thực sự là vì con đấy.

Đây là những hướng dẫn hữu ích dành cho phụ huynh khi cho trẻ dưới 1 tuổi ăn. Tuy nhiên, không nên cứng nhắc về khẩu phần và thực đơn cho trẻ, đừng quá lo lắng khi trẻ ăn ít hơn hoặc nhiều hơn một chút, hay khi cho trẻ thử một món ăn mới. Nếu muốn cho trẻ 4 -6 tháng tuổi thử ăn một ít đậu phụ hay một ít trái cây, rau củ nghiền, cũng chẳng sao cả.

Kỹ năng nhai đồ ăn cực kỳ quan trọng với trẻ trong mấy năm đầu của cuộc đời. Thường thì bé 2 tháng bắt đầu cho tay vào mồm để mút, từ tháng thứ 3 bé đã có thể gặm tay. Đây là thời điểm tuyệt vời để giúp trẻ tập nhai. Trong các siêu thị có bán những loại bánh rất cứng dành cho trẻ 3 – 4 tháng tuổi gặm và tập nhai. Bánh cứng đến mức bé có gặm cả ngày cũng không thể sứt được miếng nào, nên rất an toàn. Vì hồi con gái tôi còn nhỏ, loại bánh đó chưa có bán ở Việt nam, mua ở Singapore thì quá đắt. Tôi bèn nghĩ ra cách lấy củ cà rốt sống rửa sạch, gọt vỏ, chẻ ra cho vừa với tay con cầm, để con tập nhai và gặm. Do được tập nhai từ sớm, nên con gái tôi nhai rất giỏi khi bắt đầu tập ăn dặm vào lúc 3,5 tháng.

Thời gian hợp lý để bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm là 4 – 6 tháng.

Lưu ý: Nếu muốn cho trẻ tập ăn nhiều món đa dạng, hãy đợi trẻ quen với 1 món trong 2 – 3 ngày, điều này còn có ích để nhận biết trẻ có bị dị ứng với món ăn nào không.

1. Với trẻ sơ sinh đến 4 tháng tuổi: Thói quen ăn uống - Bản năng nguyên thủy của trẻ là tìm về núm vú để tìm nguồn dinh dưỡng. 
Trẻ ăn: CHỈ DUY NHẤT sữa mẹ hoặc sữa pha chế.
Gợi ý: Vì ống tiêu hóa của trẻ còn chưa phát triển hoàn thiện, chưa nên cho bé ăn dặm.

2. Với trẻ 4- 6 tháng: tôi chỉ cho con gái ăn rau củ quả và trái cây. Mỗi tuần tôi cho ăn trứng gà ta 2 lần, mỗi lần ¼ cái lòng đỏ, luộc chín và nghiền lẫn vào rau củ.

Các bà mẹ nên quan sát kỹ, nếu trẻ có các dấu hiệu sau, thì có thể bắt đầu ăn dặm:
- Có thể giữ thẳng đầu, ngồi ngay ngắn trên ghế có dựa.
- Cân nặng tăng gấp đôi so với khi mới sinh, ít nhất đạt 6kg.
- Có thể ngậm thìa
- Có thể di chuyển thức ăn trong miệng
Trẻ ăn:
- Sữa mẹ hoặc sữa pha chế
- Khoai lang được xay nát (không thêm phụ gia)
- Trái cây tươi xay (táo, chuối, đào)
- Ngũ cốc dạng nhão, bổ sung sắt
- Rau củ nấu chín xay nhuyễn

Lượng ăn:
- Bắt đầu tập ăn một muỗng canh đồ ăn hoặc ngũ cốc, trộn ngũ cốc với 4-5 muỗng canh sữa mẹ hoặc sữa pha. 
- Tăng từ 1 lần lên 2 lần mỗi ngày. Nếu ăn ngũ cốc, nên giảm dần độ loãng đi. 
Gợi ý:
- Trẻ có thể không chịu ăn ngay từ những lần đầu tiên, nhưng sẽ dần quen.

3. Với trẻ 6 – 8 tháng: Trong giai đoạn này, nếu trẻ đã ăn dặm từ 4 tháng, bạn nên cho ăn đặc hơn, và đừng xay nhuyễn quá nữa. Khi con gái tôi được tròn 7 tháng, tôi bắt đầu tập cho bé ăn các loại cháo ngũ cốc nấu nhuyễn và loãng, chưa không xay nữa. Tôi cũng cho bé ăn trực tiếp các loại trái cây mềm, không nghiền nhỏ nữa. 
Nhận biết những dấu hiệu trẻ có thể ăn đồ ăn giống với trẻ 4 – 6 tháng
Trẻ ăn:
- Sữa mẹ hoặc sữa pha
- Trái cây tươi (chuối, lê, mứt táo, đào, bơ)
- Rau củ (cà rốt nấu nhừ, bí, khoai lang)
- Thịt (gà, bò, heo) không thêm phụ gia
- Đậu hũ tươi không thêm phụ gia
- Một chút sữa chua không đường (không dùng sản phẩm từ sữa bò cho đến khi trẻ được 1 tuổi)
- Ngũ cốc bổ sung sắt (yến mạch, lúa mạch)
Lượng ăn:
- 1 muỗng canh trái cây, tăng dần lên 2-3 muỗng trong 4 lần ăn tiếp theo.
- 1 muỗng canh rau củ, tăng dần lên 2 -3 muỗng trong 4 lần ăn tiếp theo.
- 3- 9 muỗng canh ngũ cốc trong 2 hoặc 3 lần ăn.

4. Với trẻ 8- 10 tháng
Những dấu hiệu nhận biết trẻ đã có thể ăn đồ cứng và ăn bốc tay:
- Giống với trẻ 6 – 8 tháng tuổi
- Có thể cầm nắm đồ vật
- Có thể chuyền đồ vật từ tay này sang tay khác
- Hay cho mọi thứ vào miệng
- Làm động tác nhai
Trẻ ăn:
- Sữa mẹ hoặc sữa pha
- Một lượng nhỏ phô mai tiệt trùng, sữa chua không đường (không dùng sản phẩm từ sữa bò cho đến khi trẻ được 1 tuổi)
- Rau củ nghiền nát (cà rốt nấu nhừ, bí, khoai tây, khoai lang)
- Trái cây nghiền nát (chuối, lê, đào, bơ)
- Đồ ăn có thể tự bốc tay (ngũ cốc hình chữ O, một chút trứng bác, khoai tây nấu nhừ, nui xoắn nấu nhừ, bánh quy ngậm nướu)
- Thực phẩm chứa protein (thịt thái nhỏ, thịt gia cầm, cá không xương, đậu phụ, đậu đen, đậu lăng,… nấu nhừ) 
- Ngũ cốc bổ sung sắt (lúa mạch, lúa mì, yến mạch, ngũ cốc hỗn hợp)
Lượng ăn:
- ¼ đến 1/3 chén nhóm bơ sữa

- ¼ đến ½ ngũ cốc
- ¾ đến 1 chén trái cây
- 3 đến 4 muỗng canh thực phẩm giàu protein.

5. Với trẻ 10 – 12 tháng: khi con gái được 10 tháng, tôi bắt đầu cho con tập ăn cơm nát, và tham gia bữa ăn cùng gia đình. Tất nhiên, các món của bé sẽ được nấu kỹ hơn. 
Những dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn thêm nhiều món khác:
- Nuốt đồ ăn dễ dàng hơn (ít ngậm trong miệng hơn)
- Mọc răng
- Không dùng lưỡi đẩy đồ ăn ra khỏi miệng
- Học cách dùng muỗng
Trẻ ăn:
- Sữa mẹ hoặc sữa pha
- Phô mai tiệt trùng mềm, sữa chua (không dùng sản phẩm từ sữa bò cho đến khi trẻ được 1 tuổi)
- Trái cây được nghiền nát hoặc cắt hạt lựu
- Rau củ (các loại đậu, cà rốt) được nấu nhừ, xắt nhỏ đủ để trẻ nhai được. 
- Nui ống nấu phô mai, thịt hầm
- Đồ ăn có thể tự bốc tay (ngũ cốc hình chữ O, một chút trứng bác, khoai tây nấu nhừ, nui xoắn nấu nhừ, bánh quy ngậm nướu)
- Thực phẩm chứa protein (thịt thái nhỏ, thịt gia cầm, cá không xương, đậu phụ, đậu đen, đậu lăng,… nấu nhừ) 
- Ngũ cốc bổ sung sắt (lúa mạch, lúa mì, yến mạch, ngũ cốc hỗn hợp)
Lượng ăn:
- 1/3 chén nhóm bơ sữa
- ¼ đến ½ chén ngũ cốc bổ sung sắt
- ¾ đến 1 chén trái cây
- 1/8 đến ¼ chén nui ống
- 3 đến 4 muỗng canh thực phẩm giàu protein.

Nguồn: 
https://www.babycenter.com/0_age-by-age-guide-to-feeding-yo….

Có thể tham khảo thêm hướng dẫn ăn uống cho trẻ từ 12 tháng tuổi tại:
https://www.babycenter.com/0_age-by-age-guide-to-feeding-yo…