Thời gian vừa qua, rất nhiều bạn hỏi tôi về việc làm sao chọn mua được dầu dừa chất lượng tốt, để nó thực sự có tác dụng tốt với sức khỏe? Tôi đều trả lời là: hãy hỏi xem họ sản xuất bằng phương pháp nào?
Rồi cách đây 2 hôm, một người bạn đem đến cho tôi xem 1 lọ dầu dừa nhỏ quãng 185 ml được bán ngoài chợ, nhãn mác trông rất ổn, nhìn qua lọ thấy màu trắng tinh. Tôi bèn khui lọ ra, ngửi một cái và nhăn mặt bảo cô bạn: “Mua phải dầu dởm rồi”. Cô ta hỏi tôi: “Sao chị biết?”. Tôi trả lời: “Nhìn dầu màu trắng như nước thế này, buộc phải là xử lý lạnh với nhiệt độ dưới 50 độ C. Nhưng cái mùi thì rõ ràng là nấu như cách làm thủ công bình thường (nghĩa là phải nấu độ 3-4 tiếng ở nhiệt độ cao)”. Tôi xoay đi trở lại chai dầu nhỏ trong tay, không thể dứt nó ra khỏi suy nghĩ của mình, sao lại thế nhỉ?
Rồi chợt một suy nghĩ bật lên, tôi nhấc điện thoại hỏi cậu em có biết tí chút về kỹ thuật: “Này em ơi, họ có dùng hóa chất tấy trắng dầu được không ấy nhỉ?”. Sau khi nghe tôi kể sự việc, cậu em bật cười: “Ôi chị ơi, cái gì mà họ chẳng tẩy được cho trắng tinh, nhưng cái chất tẩy đấy nó độc lắm đấy, chị đừng ăn chai dầu đó nhé”. Lời dặn thật thừa, từ mấy năm nay tôi chẳng bao giờ dám mua loại dầu nào, trừ dầu olive chắc chắn là được nhập khẩu nguyên chai. Còn dầu dừa thì tôi hơi tự hào cho là mình biết ở mức hơn đứt những người không biết tí gì.
Và vì vậy, để đảm bảo là không ăn phải hóa chất độc hại khi mua dầu dừa, tôi dặn bạn bè nhé:
1. Dầu dừa được làm bằng phương pháp xử lý lạnh rất tốt, khi nhiệt độ xử lý không quá 50 độ C. Tuy vậy, mấy tháng nay bò ra làm không biết đã bao nhiêu mẻ rồi, thì chúng tôi hiểu là để dầu có được màu trắng trong như nước là không hề dễ. Có nhiều mẻ, mọi thứ rất ổn, nhưng dầu vẫn không trắng tinh: mà chịu không biết tại sao. Việc dầu có trắng tinh, hay trắng vừa, thậm chí có ánh hơi vàng rất nhạt, không ảnh hưởng đến chất lượng và dinh dưỡng của dầu (nếu nhiệt độ xử lý dưới 50 độ C).
2. Có lẽ chính vì cái tiêu chuẩn “trắng tinh như nước” khi định nghĩa về dầu lạnh, mà có những doanh nghiệp hoặc cơ sở sẵn sàng dùng hóa chất độc hại để tẩy trắng dầu, nhằm đánh lừa người tiêu dùng rằng dầu của họ chất lượng tốt.
3. Dầu dừa nấu theo kiểu truyền thống (nếu không để bị cháy, và nấu ở nhiệt độ dưới điểm bốc khói), không sinh ra chất độc hại. Tuy vậy, dầu loại đó đã mất hết chất dinh dưỡng, nhưng tôi nhắc lại: ăn không có hại, hoặc hại ít hơn nhiều so với các loại dầu làm từ hạt (đậu nành, lạc, vừng...) được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp.
4. Nếu đã là dầu lạnh: mùi của nó phải nhẹ, gần như khi bạn ngửi cơm dừa già từ quả dừa mới được bổ ra ấy. Viết đến đây, tôi giật mình tự hỏi: Liệu có loại hóa chất nào để khử mùi “thơm như kẹo” của dầu dừa không nhỉ? Nếu không thì chai dầu dừa sẽ biến thành chai thuốc độc thực thụ cho người sử dụng.
5. Tôi thì đang thử dùng các loại gia vị như hành, tỏi, sả..., ướp với dầu để vừa khử mùi, vừa nâng giá trị dinh dưỡng của dầu dừa. Ai có kinh nghiệm gì về các gia vị vừa tốt cho sức khỏe, vừa có tác dụng khử mùi, chia sẻ cho tôi với.
Bạn bè ơi, hãy là người tiêu dùng thông minh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình nhé.