Hãy Bớt Bảo Thủ Để Còn Học Hỏi Điều Mới

HÃY BỚT BẢO THỦ ĐỂ CÒN HỌC HỎI ĐIỀU MỚI

26/09/2017

Mấy hôm nay, nhân cái việc có một bác sĩ chứi bới dữ dội về thải độc và tẩy sỏi gan, tuy đang ở nước ngoài, hễ rảnh là tôi lại suy ngẫm về cái sự “bảo thủ”, đóng cửa đầu óc trước cái mới, đối nghịch với việc hãy luôn mở rộng tầm suy nghĩ để chấp nhận những điều chưa quen thuộc, hoặc mình chưa từng biết, chưa từng nghe đến. 

Trong tiếng Anh – đó là sự đối nghịch giữa “opened minded” và “closed minded”. Ở các nước tiến tiến, mà cụ thể là Mỹ - họ khuyến khích sự tranh luận, dẫn tới chứng minh và tìm ra cái mới. Ở Mỹ: các trường Top, khi xét tuyển vào đại học, điểm cao không phải là điều quan trọng nhất. Họ sẽ đọc kỹ các bài luận để chắc chắn sinh viên đó là người opened minded, biết sử dụng trí tuệ và các kiến thức được chứng minh từ sách báo và tài liệu, để tranh luận một cách bình tĩnh, tôn trọng người khác, để thể hiện chính kiến cá nhân mình một cách có cơ sở. Nếu chỉ cần có một câu xúc phạm người khác, hoặc viết bậy bạ - họ sẽ loại ngay lập tức. Để chứng minh được một quan điểm, có khi phải đọc vài trăm, thậm chí vài ngàn cuốn sách và bài báo. Và khi nêu quan điểm, hoặc viết hay nói “cơ sở khoa học” – thì người viết phải dẫn chứng cơ sở đó bằng cách ghi chú tài liệu mình đọc, phát minh của ai...

Còn ở ta: cái gì đang diễn ra vậy?
Ở ta: hễ một người có bằng cấp là tự cho mình cái quyền phát ngôn một cách tự do, cố nói rằng tôi dựa trên cơ sở khoa học, nhưng hầu như ít khi nêu ra được dẫn chứng từ sách báo, tài liệu. Có phải chăng vì thực sự họ không hề biết ngoại ngữ, không thích đọc, hoặc có thể biết mà không đọc đủ, mà chỉ dùng cái chữ “lót” trước cái tên trong “name card” – nêu chức vụ hoặc bằng cấp kiểu như: giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ.... họ nghĩ rằng chỉ riêng việc có mấy chữ đó gắn theo tên, thì những gì họ phát ngôn ra đều có “cơ sở khoa học”?????
Nếu muốn chứng minh trẻ con cần học tiếng hán, xin hãy có một nghiên cứu đầy đủ về mối liên quan giữa sự cần thiết, cũng như sự liên quan giữa cái trong sáng của tiếng Việt với việc học chữ hán. Biết bao bạn bè thế hệ tôi, chẳng biết một câu, một từ nào chữ hán, sao vẫn sử dụng được tiếng Việt đúng với cái trong sáng của nó? Các bạn thử hỏi nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thành Long..., là những tác giả nổi tiếng một thời, xem các anh có cần biết chữ hán để viết văn một cách trong sáng không? Tại sao Singapore họ coi trọng tiếng Anh hơn tiếng Hoa? Cách đây vài chục năm, họ tập trung dữ dội vào việc đưa tiếng Anh phổ cập. Rồi sau khi phổ cập xong, mới mấy năm nay, họ bắt đầu có yêu cầu cao hơn với học sinh về học tiếng Hoa trong trường phổ thông. Học sinh Việt nam, nhiều em viết tiếng Việt sai chính tả be bét, khả năng đọc hiểu rất kém – đâu phải vì không biết tiếng hán. Đó là vì cách dạy, quan điểm dạy cả ở nhà trường và gia đình. Đó là hiện tượng nảy sinh từ cái thời kỳ sau năm 1975 – khi người ta cải cách chữ viết, tung hô việc học theo bài mẫu, học thuộc lòng, học vì điểm số. Thời chúng tôi, chỉ cần copy bài mẫu hoặc bài của bất cứ ai, là nhận ngay điểm 0 và bị thầy cô giáo, cũng như bạn bè “gừ” cho tới số. Khi trẻ con phải viết và trả lời theo mẫu (dù đó là mẫu của thầy cô giáo hay bố mẹ đưa ra), rồi sống theo những khuôn phép phong kiến vô lý, vô ích – thì không chỉ sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ, mà tất cả mọi sự trong sáng đều bị “Cuốn theo chiều gió” hết. Vậy thì xin các giáo sư hãy tập trung vào một ưu tiên chính thôi, đừng đưa ra quá nhiều quan điểm mà gây nên trào lưu “Loạn nghĩ”, mệt mỏi cho xã hội lắm.
Về chăm sóc sức khỏe, cũng tương tự vậy: những gì tây y không hoặc chưa làm được, hãy khuyến khích mọi người đọc và tìm hiểu về các nền y học cổ truyền, để xem các cụ tổ tiên ta, tuy không biết gì về “cơ sở khoa học”, mà vẫn cứ sống khỏe, đừng vì bản thân không biết, không dám thử, chưa trải qua, mà chê bai, dè bỉu, hoặc phê phán vô căn cứ. Cũng nên hiểu tại sao chỉ từ những năm 1920 trở lại đây, thì đầu tiên là các nước phát triển, rồi sau đó là tất cả thế giới, đều bị các căn bệnh ác hiểm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, béo phì...hoành hành. Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu phân tích và nêu rõ sự liên quan của các căn bệnh này với sự xuất hiện của ngành công nghiệp sản xuất các loại dầu ăn, cụ thể là dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương, dầu ngô, và các loại bơ thực vật, cũng như thức ăn công nghiệp. Dầu ăn bẩn và thức ăn nhanh, thức ăn công nghiệp chế biến sẵn đi đến đâu - bệnh tật xuất hiện dữ đội nơi đó.
Vậy nhưng, hễ cứ ai nói hoặc chia sẻ bất cứ phương pháp y học cổ truyền nào, thì sẽ được rất nhiều người xưng là bác sĩ, dùng mọi cách để chửi bới, dèm pha, dọa nạt người bệnh. Có người còn vô học đến mức toàn gọi người khác là “bần nông”, rồi thách mọi người ăn cái này cái nọ. Nếu đủ kiến thức, và có đủ cái lịch sự tối thiểu của hai từ “con người”, sao không có thể bình tĩnh phân tích đúng sai, trích dẫn những sách báo liên quan để chứng minh quan điểm cá nhân? Nhưng làm tôi ngạc nhiên hơn là cái cách của nhiều bạn comments dưới bài viết, là số lượng like và share của bài viết. Khi xã hội tung hô cho sự vô học, vô văn hóa, thô lỗ – thì những người thực sự vô học và vô văn hóa sẽ “chiếm lĩnh” chỗ đứng vững chắc trong xã hội, sẽ tự huyễn hoặc mình là họ tài giỏi, và sự băng hoại của đạo đức là điều tất yếu. Một hiện tượng Lệ Rơi vẫn còn chưa là bài học cho chúng ta hay sao? 
Vì sao đất nước ta đến nông nỗi này: xin đừng bịt mũi chỉ tay vào bất cứ ai khác. Mỗi người hãy nghiêm khắc tự nhìn nhận lại mình, xem ta đã từng bao giờ tung hô cái xấu, cái vô văn hóa (dù chỉ là vô tình)? Hãy tự ngẫm nghĩ xem mình có thể làm được điều gì (dù là nhỏ bé thôi), để giúp cho bản thân, gia đình, và nói rộng ra là cả xã hội tốt đẹp lên một cách lành mạnh. Chỉ có khi đó, chỉ khi phần lớn người dân đều hướng thiện, đều cố gắng sống tốt, đất nước Việt nam mới có thể cất cánh. 
Tôi chỉ viết ra chính kiến cá nhân của tôi, mà không hề có ý dạy đạo đức cho ai cả. Ai ném đá, tôi nhận tất, mang về xây nhà. Tôi vốn ngang bướng, và tự tin rằng bản thân là trí thức thật sự (tuy chẳng có bằng thạc sĩ tiến sĩ nào để khoe). Vì vậy, tôi không hề sợ gạch đá. Tôi chỉ sợ tâm hồn mình cũng bị băng hoại theo trào lưu của xã hội. Tôi chỉ sợ mình cũng sẽ trở nên hèn nhát, né tránh nói ra sự thật vì sợ gạch đá. Vì vậy, tôi không nhận loại đá hôi thối, đá chứa chất độc hại cho môi trường (cả môi trường sống và môi trường văn hóa).