Chế Độ Ăn Uống, Bệnh Tim Mạch Và Tuổi Thọ

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG, BỆNH TIM MẠCH VÀ TUỔI THỌ

22/11/2017

Những nghiên cứu mới nhất về chế độ ăn uống đối với sức khỏe – ai cũng nên đọc.

Rất cám ơn anh Nguyễn Hải đã bỏ thời gian tổng hợp kết luận của hai nghiên cứu mới nhất vừa được công bố mấy tháng trước. Mong rằng bài tổng hợp sẽ có ích cho những ai quan tâm tới sức khỏe.

Nguồn: http://www.thelancet.com/…/article/PIIS0140-6736(17…/fulltex (1)
https://www.hsph.harvard.edu/…/carbo…/low-carbohydrate-diets (2)
http://time.com/4919448/low-fat-v-low-carb-diets

 

1. Mới đây, các nhà khoa học ở trường Đại học McMaster (Canada) chủ trì một nghiên cứu được coi là có độ bao phủ rộng nhất từ trước tới giờ, với 135 nghìn người tại 18 quốc gia và công bố trên tuần san y khoa nổi tiếng The Lancet số tháng 8 năm 2017, nhằm xác định ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng tới bệnh tật và tuổi thọ.

Họ xác định rằng người ăn nhiều đường bột (trong bánh mì và cơm gạo) có nguy cơ tử vong cao hơn gần 30% so với những người ăn ít đường bột. Những người ăn chế độ giàu chất béo có nguy cơ tử vong thấp hơn 23% so với những người ăn ít chất béo trong suốt 7 năm theo dõi của cuộc nghiên cứu. Kết luận chính thức như sau:

“Ăn nhiều carbohydrate có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn. Trong khi đó, lượng mỡ tổng cao và một số loại mỡ cụ thể làm giảm tỷ lệ tử vong nói chung. Tổng lượng chất béo và từng loại chất béo không liên can đến bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, hay tử vong do bệnh tim mạch. Chất béo bão hòa có tỷ lệ nghịch với đột quỵ. Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng trên toàn cầu cần phải được sửa đổi lại dựa trên những phát hiện này.
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng không đáng kể đến bệnh tim mạch. Nhưng chế độ ăn uống ảnh hưởng lớn đến các căn bệnh nguy hiểm gây chết người khác như ung thư, sa sút trí nhớ, và các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp”

Các phát hiện này bổ sung thêm nhiều luận cứ cho cuộc tranh luận liên miên về khuyến cáo cho chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Vào những năm 70 khi cholesterol xuất hiện như thủ phạm gây ra bệnh tim mạch, giới khoa học kêu gọi mọi người giảm chất béo bằng cách hạn chế thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa, trứng và các loại thực phẩm chiên rán. Các nhà kinh doanh bèn đua theo, đẩy ra thị trường các sản phẩm ít béo. Nhưng họ lại thay chất béo bằng đường bột – cái thứ mà các nhà khoa học tới nay hiểu ra rằng nó cũng chẳng hay ho gì, thậm chí còn tai hại hơn nhiều với sức khỏe. Đó là bởi carbohydrate dễ dàng được lưu trữ dưới dạng glucose trong cơ thể, rồi chúng làm tăng lượng đường trong máu, góp vào bệnh béo phì và tiểu đường.

Vậy sao lại gán tội cho chất béo từ bấy nhiêu năm? Có lẽ vì những nghiên cứu đầu tiên liên tưởng chất béo với bệnh tim được thực hiện chủ yếu ở Bắc Mỹ và Châu Âu, nơi có lượng tiêu thụ chất béo cao nhất thế giới. Vậy liệu có thể cần những lời khuyên về dinh dưỡng khác nhau cho những xứ khác nhau. Ở phương Tây, nơi mọi người ngốn nhiều đồ béo thì giảm ăn thịt và mỡ động vật có thể tốt cho tim mạch, miễn là đừng có thay chất béo bằng đường bột.

Ở những vùng khác, đường bột đã chiếm phần đáng kể trong khẩu phần thì việc cắt giảm lượng dường bột lại quan trọng hơn là nhằm vào chất béo. Các nhà nghiên cứu viết: "Những người ăn nhiều carbohydrate được hưởng lợi từ việc giảm carbohydrate và tăng cường tiêu thụ chất béo.”

Nhưng nếu vậy thì phải ăn bao nhiêu béo và bao nhiêu bột? Đáng tiếc nghiên cứu này chưa có lời giải. Giáo sư Mahshid Dehghan và gần 50 đồng sự quốc tế hiểu rất rõ rằng câu hỏi này phải được trả lời xác đáng và kêu gọi giới khoa học cùng chung tay tiếp tục nghiên cứu để định lượng chính xác khẩu phần chất béo và carbohydrate cho các đối tượng khác nhau.

2. Những nghiên cứu được công bố tại website trường đại học Harvard cũng cho kết quả tương tự. Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống với bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong là chủ đề quan trọng với sức khoẻ cộng đồng và gây tranh cãi lớn trong suốt nửa thế kỷ qua. Tại Châu Âu và Bắc Mỹ, hầu hết các khuyến cáo dinh dưỡng đều nhất quán phải hạn chế axit béo bão hòa bằng cách thay thế mỡ động vật bằng đường bột (carbohydrate hay carb). Đơn giản, muốn giảm béo thì phải ăn ít béo. Họ cho rằng chất béo bão hòa và cholesterol trong mỡ động vật, sản phẩm sữa và pho mát làm xơ cứng mạch, dẫn đến bệnh tim mạch, béo phì và giảm tuổi thọ.

Trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều nhà khoa học nhận ra rằng những khuyến cáo hạn chế chất béo chỉ dựa trên một số dữ liệu quan sát và lâm sàng, được chọn lọc có chủ ý và bỏ qua những thử nghiệm có kết quả không ủng hộ kết luận đó.

Nhiều nghiên cứu nghiêm túc mới đây cho thấy chế độ ăn ít đường bột giúp ta giảm cân nhanh hơn chế độ ăn kiêng chất béo và giúp duy trì giảm cân bền vững.

Nghiên cứu gọi là DIRECT (trực tiếp) so sánh 3 chế độ ăn: ít đường bột, ít chất béo và Địa Trung Hải, sau 2 năm kết luận rằng, giảm cân và duy trì giảm cân theo chế độ ăn ít đường bột và kiểu Địa Trung Hải tốt hơn so với chế độ ăn ít chất béo. Chế độ ăn uống cũng tác động tới các yếu tố nguy cơ bệnh tim. Chế độ ăn ít đường bột cho tác dụng tốt nhất làm giảm triglycerides (loại hạt chính cõng mỡ vào máu) và cũng làm tăng mạnh mỡ tốt HDL.

Một thí nghiệm kéo dài 20 năm với gần 83 nghìn phụ nữ đã xem xét mối quan hệ giữa chế độ ăn uống ít đường bột và bệnh tim và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Phụ nữ ăn ít đường bột và nhiều chất béo nguồn gốc thực vật có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 30% và tiểu đường (tuýp 2) 20% thấp hơn so với phụ nữ ăn nhiều đường bột và ít chất béo. Tuy nhiên, những phụ nữ ăn ít đường bột và và nhiều chất béo hoặc protein có nguồn gốc động vật thì không có được những lợi ích này.

Nhiều bằng chứng về lợi ích của ăn ít đường bột đối với tim đã thu thập được từ loạt thử nghiệm ngẫu nhiên gọi là Định lượng Dinh dưỡng đa lượng Tối ưu cho Sức khỏe Tim mạch (Optimal Macronutrient Intake Trial for Heart Health - OmniHeart). Chế độ ăn uống lành mạnh thay thế lượng đường bột bằng protein hoặc chất béo đã làm hạ huyết áp và giảm mỡ xấu LDL tốt hơn so với chế độ ăn nhiều đường bột.

Tương tự, thử nghiệm giảm cân "EcoAtkins" đã so sánh chế độ ăn rau có hàm lượng chất béo thấp, đường bột cao với chế độ ăn rau ít đường bột và nhiều chất đạm và chất béo thực vật. Cả hai chế độ có tác dụng giảm cân tương tự, nhưng người theo chế độ "EcoAtkins" ít đường bột đã chứng tỏ sự cải thiện đáng kể về mỡ máu và huyết áp.

Chú thích các đường link:
(1) Tờ The Lancet một tuần san y khoa có tòa soạn tại London, New York và Bắc Kinh. Là một trong những tập san y khoa tổng quan lâu đời nhất (từ 1823) và có uy tín nhất trên thế giới.

(2) Công bố trên website của Đại học Harvard Sức khỏe Cộng đồng tại Boston. Tờ US News luôn đánh giá đây là cơ sở nghiên cứu số 1 Hoa Kỳ về chính sách và quản trị y tế