Bài viết hay. Dân ta đã có câu: “Của rẻ là của ôi. Của cho là của nợ”. Vậy mà tâm lý ai cũng thích mua hàng rẻ, hoặc chờ để được “khuyến mãi” cho không. Chen chúc dẫm đạp nhau để được một bữa ăn miễn phí?
Để có thực phẩm rẻ, thì người bán phải chọn hàng ôi, hàng bẩn, rồi “xoay xở” để làm sao người mua không biết là nó đã ôi, đã bẩn. Còn nếu họ mua hàng chất lượng tốt, làm sao có thể bán và cạnh tranh nổi?
Nhưng cái tệ hại hơn là sự lừa đảo: hàng bẩn, hàng thừa được “chế biến” để bán với giá trên trời, dưới cái tên “hàng sạch”. Cái này cũng do người mua cứ tin sái cổ vào những lời đường mật của kẻ bán mà thôi.
Cũng chỉ vì ham rẻ, mà Mỹ và châu Âu đang điêu đứng vì “hàng bẩn” rẻ rề từ Trung Quốc tràn vào, và Việt Nam cũng không đứng ngoài trận “cuồng phong” đó.
Chính quyền đã và đang vào cuộc, nhưng làm sao kiểm tra cho xuể, khi từng ngõ phố, góc chợ - người ta mua bán từng ngày, từng giờ? Trước khi cho bất cứ cái gì rẻ quá vào mồm, có lẽ nên ngậm chặt miệng lại và nghĩ một tí: “Sao lại có thể bán rẻ vậy nhỉ?”.
- Sữa đậu nành 8,000/lít – làm sao có giá đó? Họ đang cho bạn uống hóa chất pha với đường chứ còn gì nữa?
- Dầu ăn trên dưới 30,000 – 70,000/lít – thì phải dùng hóa chất ép thật kiệt dầu chứa trong đậu nành hoặc hạt lạc, hạt vừng để giảm giá vốn.
- Dầu dừa giá rẻ – phải mua dừa dạt (nghĩa là bị loại ra sau khi khách hàng đã lựa hết trái ngon, to), hoặc cơm dừa đã bị chua, thiu, cơm dừa phơi nắng “chịu trận” ruồi bâu, kiến bò (ảnh dưới)…rồi dùng hóa chất rửa để trông vẫn trắng tinh, sấy lên mà ép, rồi lại dùng hóa chất tẩy mùi, tẩy trắng, thậm chí cho chút tinh dầu vào cho nó thơm ngát đúng mùi dừa..., thì làm sao người mua biết?
Việt Nam hay ở bất cứ nước nào, dù là nước phát triển hay chưa phát triển - thì vẫn tồn tại thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng. Vào siêu thị tây, nếu ham rẻ - bạn vẫn có thể mua phải thịt đã chuyển màu xỉn và hôi, cá đã có mùi ươn, trái cây đã bị thối ở trong...Nếu ai ham rẻ - thì ăn đồ đó, giá thấp hơn phải đến 70%.
Trước khi mua bất cứ đồ ăn nào mà cả gia đình dùng thường xuyên (dù rẻ hay không rẻ): như gạo, dầu, thịt, mắm muối…, hãy đọc kỹ bao bì xem họ nói gì, những loại hóa chất nào được cho vào đó để tăng vị thơm ngon, hoặc kéo dài thời gian bảo quản? Liệu trong quá trình sản xuất, nhiệt độ quá cao có làm thay đổi hoặc mất những thành phần tốt của thực phẩm đó và phát sinh chất độc hại. Cũng nhờ sự “tò mò” pha lẫn “cẩn thận” trong việc ăn uống mấy năm nay, mà tôi tích lũy được khối kiến thức hay về những cái hay, dở, lợi, hại của các loại thực phẩm khác nhau được bán trên thị trường, để có lựa chọn tốt và an toàn nhất cho bản thân và gia đình.
Hãy có trách nhiệm với chính mình, trước khi yêu cầu người khác có trách nhiệm với bạn– có lẽ đó là cách tốt nhất để tự bảo vệ mình hiện nay. Vì vậy: bạn cần trở thành người tiêu dùng thông minh.