Nguồn: https://www.mindbodygreen.com/…/the-connection-between-bloo…
Bệnh Alzheimer’s đang dần phát triển thành một thảm họa trên khắp thế giới. Không lâu trước đây, các chuyên gia còn cân nhắc xếp căn bệnh thần kinh này thành bệnh tiểu đường loại 3 vì nguyên nhân gây bệnh có liên quan chặt chẽ tới lối sống và lượng đường tiêu thụ. Hãy lắng nghe những giải thích của chuyên gia thần kinh David Perlmutter về ảnh hưởng của việc tiêu thụ đường bột (Carbs) tới hệ thần kinh.
Với bản năng sinh tồn, từ thời săn bắn đến nay, tất cả chúng ta đều có xu hướng đi tìm nguồn thức ăn giàu chất béo và carb vì đây là nguồn dinh dưỡng chính nuôi cơ thể. Tuy nhiên, thay vì trước kia chúng ta phải hết sức khó khăn để tìm được đủ thức ăn thì ngày nay, chúng ta quá thừa thãi nguồn thực phẩm. Hơn nữa, thay vì sử dụng nguồn carb và chất béo tự nhiên theo mùa, ngày nay chúng ta chỉ tập trung vào những món ăn chế biến công nghiệp tràn lan, quá dư thừa carb và chất béo nhưng lại nghèo nàn vitamin, khoáng chất và các dinh dưỡng cần thiết khác. Chế độ ăn của chúng ta bị quá nhiều thay đổi do lối sống hiện đại, trong khi nhu cầu của cơ thể và não bộ gần như không thay đổi – và đây chính là nguồn cơn của các vấn đề sức khỏe, trong đó có hệ thần kinh.
Khi nghe đến “tiểu đường loại 3” – khái niệm có vẻ khá mông lung, nhưng bạn hãy hiểu bản chất của bệnh tiểu đường chính là: sự rối loạn insulin – một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Nhắc đến sự chuyển hóa, cơ thể chúng ta là một bộ máy tinh vi có khả năng chuyển hóa năng lượng từ thực phẩm để các tế bào có thể sử dụng. Trong đó – glucose là nguồn năng lượng được các tế bào “ưa chuộng” hơn cả. Vì vậy, cơ thể có xu hướng chuyển hóa và tích trữ glucose. Chúng ta hoàn toàn có thể tái tạo glucose từ chất béo hoặc protein nếu cần thiết – quy trình này được gọi là gluconeogenesis. Tuy nhiên, quá trình này tương đối mất thời gian và năng lượng, vì vậy, đường bột là nguồn sản xuất glucose dễ dàng nhất.
Thông thường, glucose không thể đi thẳng vào dòng máu để đến các tế bào mà không có tác động của insulin – một hormone được sản xuất bởi tuyến tụy. Cơ thể tiêu thụ càng nhiều carb thì insulin được giải phóng càng nhiều. Insulin sẽ “gõ cửa” và ra tín hiệu cho các tế bào hấp thu glucose. Vì vậy, có thể coi insulin là một “chìa khóa” không cho phép đường đi thẳng vào tế bào. Các tế bào khỏe mạnh thường khá nhạy với insulin. Nhưng khi các tế bào đã bị “nhờn” do thường xuyên phải tiếp xúc với lượng insulin cao (tình trạng này thường xảy ra khi tiêu thụ quá nhiều đường bột thường xuyên khiến insulin bị giải phóng quá nhiều) thì các tế bào sẽ dần thích nghi và gây tình trạng kháng insulin (insulin resistance) khiến quá trình chuyển hóa bị rối loạn. Để “chữa cháy”, tuyến tụy phải làm việc cật lực hơn nữa, giải phóng nhiều insulin hơn nữa và gây ra bệnh tiểu đường loại 2.
Nói dễ hiểu hơn, người bị tiểu đường có mức đường huyết cao là do cơ thể họ không thể vận chuyển đường đến các tế bào – kho dự trữ năng lượng an toàn của cơ thể. Và lúc này, đường trong máu sẽ trở thành một chất độc gây ra không ít vấn đề với sức khỏe như mù lòa, bệnh nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, bệnh tim mạch và cả Alzheimer’s, thậm chí là tử vong.
Chưa hết, insulin không chỉ có chức năng duy nhất là vận chuyển glucose đến tế bào mà nó còn là một hormone đồng hóa, khuyến khích sự hình thành và lưu trữ mỡ, đồng thời tạo cơ hội cho các chứng viêm nhiễm. Vì vậy, khi insulin bị giải phóng quá nhiều, các hormone khác có thể bị ảnh hưởng bất lợi, tăng hoặc giảm đột ngột do sự xuất hiện của insulin. Điều này khiến các rối loạn chuyển hóa càng trở nên hỗn loạn hơn nữa.
Gen cũng là một yếu tố tác động đến sự chuyển hóa – do vậy cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh tiểu đường. Như bệnh tiểu đường loại 1 được coi là một rối loạn tự miễn – chỉ chiếm 5% trên tổng số người bị bệnh tiểu đường. Cơ thể của những người này không thể sản xuất đủ insulin do hệ miễn dịch bẩm sinh tấn công các tế bào tuyến tụy có trách nhiệm sản xuất insulin. Do vậy, họ buộc phải tiêm insulin hàng ngày để cân bằng đường huyết. Khác với tiểu đường loại 2, tiểu đường loại 1 không thể ngăn ngừa hoặc chữa trị triệt để, mặc dù bệnh nhân có thể cải thiện qua chế độ ăn và thuốc. Tuy vậy, các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng, mặc dù gen đóng vai trò chủ yếu nhưng không phải duy nhất, môi trường xung quanh cũng ảnh hưởng nhiều tới khả năng mắc tiểu đường loại 1.
Những thông tin trên đã phần nào giúp mọi người có cái nhìn rõ hơn khi cho rằng “tiểu đường loại 3” là một khái niệm, trong đó, chức năng não bộ không có khả năng phản ứng lại với insulin khiến não không đủ “thức ăn” cho các hoạt động cơ bản như ghi nhớ và học hỏi. Nhìn rộng ra, kháng insulin rất có thể là nguồn cơn của nhiều vấn đề thần kinh khác. Chưa hết, những người béo phì và tiểu đường có nguy cơ bị rối loạn thần kinh (trong đó có bệnh Alzheimer’s) rất cao.
Bài viết này không hề khẳng định bệnh tiểu đường là nguyên nhân duy nhất gây bệnh Alzheimer’s nhưng cũng đưa ra con số thuyết phục qua một nghiên cứu trên 5.000 người trong suốt 10 năm cho thấy, những người có mức đường huyết càng cao, nguy cơ suy giảm nhận thức càng cao. Đáng lo ngại hơn cả, con số người bị mắc Alzheimer’s đang tăng nhanh không kém gì số người mắc tiểu đường loại 2 và có nguy cơ trở thành một thảm họa trong tương lai. Ngay bây giờ, trên thế giới, cứ 6 giây lại có một người bị rối loạn thần kinh và tốc độ này sẽ nhanh gấp đôi trong 50 năm tới nếu không có biện pháp phòng ngừa.
Đã đến lúc, bạn cần nhìn nhận lại chế độ ăn của chính mình để chung tay chống lại thảm dịch này.
Và cách tốt nhất là hạn chế tối đa lượng đường và tinh bột. Chỉ ăn các loại hạt còn nguyên cám, trái cây tươi, các chất béo tốt, lượng đạm động vật vừa phải, cộng với thật nhiều rau củ xanh.