Để Khỏe Mạnh Bài 3:

ĐỂ KHỎE MẠNH Bài 3:

16/10/2018 Nguồn: https://www.facebook.com/bichha.tran.94/posts/2127291033961958


Phần 1: Kiểm soát, tiến tới làm chủ chế độ ăn là một trong những việc quan trọng bậc nhất, nếu bạn muốn khỏe mạnh.

Trong bài 2, tôi đã nêu 7 yếu tố quyết định sức khỏe của chúng ta. Từ bài này trở đi, tôi sẽ đi sâu vào từng yếu tố một cách rất chi tiết, đồng thời đưa ra các phương án khác nhau, với mục đích giúp mọi người lựa chọn được cho bản thân phương án phù hợp nhất với cá nhân mình về tâm lý, quỹ thời gian cũng như khả năng tài chính. Bài 3 – CHỦ ĐỀ ĂN - sẽ được chia thành nhiều phần, ai quan tâm nhớ theo dõi theo thứ tự, sẽ dễ hiểu và dễ lựa chọn hơn. 
Nhiều người inbox hỏi tôi: “Chị ơi, sách này nói ăn chế độ lowfat là tốt, sao chị lại nói ăn lowcarb tốt hơn? Vậy phải theo trường phái nào hả chị?” 
Câu trả lời chung nhất của tôi là: “Bất cứ chế độ ăn nào, dù tốt đến đâu, thì cũng không thể chỉ có mặt tốt mà không hề có những mặt hạn chế, thậm chí có ảnh hưởng xấu lên sức khỏe, nếu không phù hợp. Cũng không thể có một chế độ ăn, hoặc một cách chăm sóc sức khỏe nào đó có thể phù hợp cho tất cả mọi người. Mỗi người là một cá thể riêng biệt, chẳng ai giống ai. Và vì vậy, chỉ có bạn mới hiểu được bản thân mình nhất – hãy giành thời gian để tìm hiểu bản thân, nghe những tiếng nói thầm lặng của cơ thể, bạn mới có thể nắm được sức khỏe trong tay mình, không cần phụ thuộc vào bất cứ ai khác. Kể cả khi bạn đã khỏe mạnh, thì những gì bạn đang làm hôm nay, sẽ không phù hợp với chính bạn sau 10 năm nữa. 
Vì vậy, để khỏe mạnh, hiểu bản thân mình chưa đủ, bạn phải đặt mình vào từng hoàn cảnh cụ thể của tuổi tác, thời gian, điều kiện sống, điều kiện kinh tế, các mối quan hệ gia đình và xã hội..., thì mới thành công mỹ mãn được. Đừng vì mê tín một trường phái nào đó, tin tưởng tuyệt đối một người nào đó, mà nhất nhất làm theo những gì họ làm – vì điều họ làm chỉ phù hợp chỉ với bản thân họ, chứ không phù hợp - thậm chí có hại cho bạn.

Có biết bao quyển sách, bài báo và hàng trăm nhà chuyên môn đưa ra các chế độ ăn khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Nhưng có vẻ hai trường phái nổi tiếng nhất, tranh luận nhau gay gắt nhất, và đối nghịch nhau nhất, là chế độ ăn lowfat: hạn chế tối đa đạm động vật và chất béo, ăn nhiều chất bột (low fat diet) Ngược lại, chế độ ăn lowcarb lại khuyên ta hạn chế tối đa bột và đường, ăn đạm vừa phải và ăn nhiều chất béo tốt (low carb diet). Nằm giữa hai chế độ ăn này, còn biết bao dạng khác nữa. Vậy thì ta phải làm thế nào trong một rừng thông tin với những lời khuyên quá trái ngược nhau?

Sau khi đọc về rất nhiều chế độ ăn, và từng thử nghiệm đủ lâu cả hai chế độ ăn tiêu biểu trên, và một số chế độ khác nữa, tôi rút ra những kết luận sau:
1. Thường thì khi nhảy vào thử nghiệm một chế độ ăn nào đó, ít người tìm hiểu cho ngọn ngành những nguyên lý cơ bản của nó. Làm cho mọi việc trở nên “rối ren” hơn, thường tác giả và “tín đồ” của những chế độ ăn này đều cố gắng thuyết phục mọi người rằng: “Chế độ ăn của tôi là tốt nhất, hợp lý nhất, phù hợp với tất cả mọi người, ở mọi lúc mọi nơi. Ai muốn khỏe mạnh, thì hãy theo chế độ đó – vì nó là duy nhất tốt”. Rồi họ phê phán tất cả những quan điểm nào không giống hệt cái mà họ đưa ra. Tôi đã từng là “tín đồ” của chế độ dinh dưỡng tây y, các bác sĩ nói gì tôi nghe tăm tắp. Ròng rã nhiều năm trời, tôi thực hiện chế độ ăn hạn chế tối đa chất béo và đạm động vật, ngốn hàng vài kg trái cây và ba bát cơm đầy một ngày – để rồi sau mười mấy năm chỉ thấy sức khỏe dần suy kiệt, mà lại chẳng được thưởng thức bất cứ “của ngon vật lạ” gì, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. 
2. Sau gần 10 năm lăn lộn và thử nghiệm với một đống các quan điểm, kết luận của tôi là: “Sức khỏe nằm trong tay mình”, không có quan điểm nào là đúng hoặc sai tuyệt đối. Vậy thì hãy đọc, học, nghiền ngẫm để hiểu rõ cái tốt và cái hạn chế của từng quan điểm, nhặt nhạnh mặt tốt, loại bỏ mặt hạn chế, rồi đưa ra công thức phù hợp với riêng bản thân mình. 
3. Có lẽ vì mải đi theo hướng cố chứng minh là quan điểm của mình là đúng, và sa vào đả kích những gì là khác với mình, các tác giả và “tín đồ”của hai chế độ ăn trên không nhận ra một điểm chung rất cơ bản của 2 phương pháp
3.1. Cả hai chế độ ăn đều yêu cầu phải dùng các loại thực phẩm “nguyên chất – whole food”, tức là các loại ngũ cốc còn nguyên cám, rau củ hoặc trái cây tươi được làm sạch tối đa hóa chất, các loại hạt như vừng, hạt bí sống không qua chế biến, các loại thịt của “bò ăn cỏ”, hoặc gà không nhốt chuồng. 
3.2. Còn một điều nữa: thường thì ta nói lowcarb, lowfat, nhưng chưa có định nghĩa chính xác nào là thế nào gọi là thấp, thế nào là cao, mức bao nhiêu thì trung bình, tính theo tỉ lệ cung cấp calories cho cơ thể. Các quan điểm thường xuất phát từ các nước phát triển, chủ yếu là từ Mỹ, và vì vậy, “chuột bạch” là dân xứ đó. 
- Ví dụ: ở các nước nghèo, chế độ ăn “cha truyền con nối” từ xưa tới nay chủ yếu là chất bột. Cái hồi trước 1975, ở ngoài Bắc, chất bột phải chiếm tới 90% ấy chứ? Vậy thì nếu hạ mức chất bột xuống quãng 30 – 40% calories chắc đã được coi là thấp rồi? 
- Hồi xưa, làm gì có dầu thực vật sản xuất theo dây chuyền công nghiệp. Khi loại dầu này xuất hiện, các nhà khoa học Mỹ, tiếp đến là cả thế giới đồng thanh hô hào là nó tốt cho tim mạch, để rồi ta thi nhau loại bỏ hết mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ - là những chất béo thiên nhiên ra khỏi thực đơn bữa ăn. Hầu hết các nghiên cứu về chế độ ăn mấy chục năm qua đều sử dụng các loại dầu này, để rồi cho ra kết luận là “ăn nhiều chất béo có hại cho tim mạch”. Chẳng ai làm rõ, đó là cái hại của chất béo nói chung, hay là cái hại của chính các loại dầu độc hại? Chỉ gần đây mói có những nghiên cứu nghiêm túc, ví dụ như của trường đại học Mc. Master Canada công bố kết quả vào tháng 8 năm ngoái, lộn ngược hầu hết các lời khuyên về chất béo của tây y từ trước đến nay. 
4. Vậy quan điểm cá nhân của tôi sau mấy chục năm tự nguyện làm “chuột bạch” thì như thế nào:
4.1. Lựa chọn thực phẩm kỹ, dù ăn theo chế độ nào: 
- Chỉ nên dùng các loại chất béo tốt như dầu dừa, dầu olive extra virgin và ghee. Nếu không có những loại đó, bạn có thể ăn mỡ động vật. Tuyệt đối không ăn các loại dầu độc hại sản xuất theo dây chuyền công nghiệp
- Chuyển sang ăn các loại ngũ cốc còn nguyên cám như: gạo lức, khoai lang, ngô Việt nam (không ăn ngô Mỹ biến đổi gene), yến mạch và lúa mạch, quinoa nguyên cám (với những bạn sống ở nước ngoài)
- Ăn đạm động vật ở mức vừa phải, nhưng tuyệt đối không nên bỏ đạm động vật ra khỏi chế độ ăn. Nếu bạn quyết định ăn chay vì lý do nào đó, vẫn nên ăn thêm trứng, các loại sữa chua và kefir không đường, hoặc uống nước xương hầm để cung cấp đủ các loại acid amin chất lượng tốt cho cơ thể. Đạm thực vật không có cung cấp đủ các loại chất lượng cao như vậy. 
- Ăn rau càng nhiều càng tốt, ăn trái cây ở mức vừa phải (200 – 300 gr/ngày là hợp lý, nếu bạn không ăn theo chế độ lowcarb để giảm béo hoặc chữa bệnh). 
4.2. Không nên ăn theo 1 chế độ nào quá lâu dài, nếu bạn không bị bệnh mãn tính và cần chữa bằng chế độ ăn. Việc chỉ ăn theo một chế độ lâu dài, chắc chắn sẽ làm cơ thể thừa một số chất, và thiếu một số chất khác. Nếu bạn bị muốn giảm cân, nên ăn theo chế độ “hạn chế chất đường và bột ở mức tối đa từ 20 – 50gr/ngày”, và chỉ ăn theo từng đợt. Với chế độ ăn này, bạn sẽ có thể giảm được 3 – 4 kg trong vòng 2 – 3 tuần. Sau đó, bạn nên nâng lượng carb lên một cách từ từ.
4.3. Bất cứ chế độ ăn nào (không với mục đích chữa bệnh), làm cho bạn cảm thấy mình như bị cách ly khỏi tất cả mọi người, sống một cách khổ hạnh, không cho phép bạn có cơ hội được thưởng thức “của ngon vật lạ”, thậm chí cả khi đi du lịch. Chế độ ăn nào “cấm tiệt” bạn được giao du với bạn bè một, hai lần/tuần quanh cốc café hoặc một bữa ăn ngon miệng tại gia hay ở nhà hàng. Chế độ ăn khiến bạn không thể được ăn những món mình thích một vài đợt, mỗi đợt vài ngày, thậm chí vài tuần mỗi năm, sẽ là khá “cực đoan”, làm cho bạn bị căng thẳng, thậm chí trầm cảm - ảnh hưởng trầm trọng tới tâm lý, tình cảm và sức khỏe lâu dài. Cuộc sống sẽ ít đi khá nhiều niềm vui, hoặc nói trần trụi ra thì dường như chỉ còn là một sự “tồn tại” buồn chán, nấp sau quan điểm vì sức khỏe. Một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp bạn luôn tràn đầy năng lượng, hạnh phúc và yêu cuộc sống, và ăn ngon miệng.

Trên đây là những quan điểm cơ bản mà tôi “nhặt nhạnh” được về chế độ ăn, và xây dựng cho riêng mình. Trong các bài sau, tôi sẽ đi sâu vào từng chế độ ăn một cách chi tiết hơn, có nhận xét kỹ là chế độ ăn đó phù hợp với tình trạng cơ thể như thế nào, nên vận dụng nó ra sao để đạt được mục đích do bạn đặt ra, đồng thời để có thể khỏe mạnh lâu dài.