Hôm kia, sau 13 tiếng hí hoáy nấu nướng rồi lọc, được 750 ml ghee thuốc, nghĩ đủ cho bản thân thải độc Ayurveda một đợt, đồng thời cho cả nhà thử uống mỗi ngày 10ml/người. Ai ngờ tối qua vui miệng hỏi con gái: “Các con có thích mang ghee đi để uống không?” Vốn mê tín các pp tự nhiên sau hai lần tẩy sỏi và một lần được mẹ chữa bệnh, nàng gật đầu ngay lập tức. Mẹ cũng vui vì nó sẽ rất bổ ích cho sức khỏe của nàng và bồ, nên cho nàng mang đi hết.
Hôm nay, mẹ lại hi hui nấu tới 2 nồi, một nồi là thảo dược Ấn độ, một nồi thảo dược tây, ra được một lọ đỏ óng, một lọ xanh nhạt. Thời gian cũng mất gần 13 tiếng.
Vừa lúc anh Nguyễn Hải gửi bài viết về tác dụng của ghee, xin chia sẻ để mọi người cùng đọc
GHEE VÀ GHEE THẢO DƯỢC – DƯỢC CHẤT KHÔNG THỂ THIẾU CỦA AYURVEDA
Trong đại sử thi Mahabharata bằng tiếng Phạn vĩ đại nhất của Ấn Độ cổ đại, công chúa Gandhari lấy vua Dhritarashtra xứ Hastinapur. Nhà vua bị mù nên hoàng hậu nguyện bịt mắt mình suốt đời để thấu hiểu và chia sẻ nỗi khổ của chồng. Một nhà tiên tri Vệ đà cảm mến đức độ và cho bà một điều ước (Hình 1). Bà xin cho mình 100 người con. Ân huệ được ban, hoàng hậu có thai trong vòng 2 năm rồi sinh ra một bọc thịt bất động. Bà kinh sợ định vứt đi thì nhà tiên tri hiện ra và truyền rằng bà phải chia bọc thịt thành 101 phần, cho vào 101 hũ đựng đầy ghee. Hoàng hậu làm theo, sau 2 năm từ đó sinh ra 100 người con trai và một người con gái.
Ghee là gì vậy mà cả thần thánh cũng phải dùng? Đó là một loại bơ trong (clarified butter) được chế biến bằng cách đun sôi nhỏ lửa, loại bỏ các tạp chất trên bề mặt, rồi lọc ra để giữ lại chất lỏng trong suốt. Kết cấu, màu sắc và vị của ghee phụ thuộc vào chất lượng của bơ, nguồn sữa và thời gian đun.
Ghee truyền thống được làm từ sữa bò (Hình 2), được coi là thiêng liêng, dùng rất nhiều trong các lễ hội tôn giáo cũng như nghi thức như hôn nhân, tang lễ,… Nhưng ở đây ta chỉ bàn đến tác dụng thực phẩm và dược tính của nó.
1. Tiện lợi và ngon miệng
Ghee có điểm khói cao (250°C). Bạn có thể nấu và rán ghee mà nó không phân hủy thành các gốc tự do như nhiều loại dầu khác.
Ghee không dễ hư hỏng, do đó không cần để tủ lạnh. Một số hỗn hợp ghee kéo dài đến 100 năm.
Ghee không ảnh hưởng đến những người có không dung nạp sữa hay casein. Ghee được làm từ bơ nhưng chất rắn và cặn sữa đã được loại bỏ, vì vậy người không dung nạp lactose hoặc casein không gặp vấn đề với ghee.
2. Dinh dưỡng cao
Ghee giàu chất vitamin hòa tan trong dầu như A và E.
Ghee giàu K2 và CLA (acid linoleic liên hợp) - chất chống oxy hoá có đặc tính chống virus, nhất là với sản phẩm có nguồn gốc từ bò ăn cỏ.
3. Điều hòa năng lượng và cân nặng
Ghee giàu dinh dưỡng như dầu dừa. Ghee giàu axit béo chuỗi ngắn, được gan hấp thu trực tiếp và đốt thành năng lượng, không cần đến dịch mật. Nhiều vận động viên sử dụng ghee như nguồn năng lượng ổn định.
Năng lượng từ các axit béo chuỗi ngắn được dùng để đốt cháy các chất béo khác trong cơ thể và làm giảm cân.
4. Tác dụng với hệ tiêu hóa và miễn dịch
Ghee khác loại dầu khác, chứa nhiều axit butyric - là axit béo chuỗi ngắn. Các lợi khuẩn đường ruột chuyển đổi chất xơ thành axit butyric và dùng như nguồn năng lượng và củng cố thành ruột. Tức là cơ thể khỏe mạnh tạo ra một loại ghee riêng, còn bạn có thể hỗ trợ bằng cách đưa ghee từ ngoài vào.
Nghiên cứu cho thấy những người có đường tiêu hóa yếu không sản xuất acid butyric. Acid butyric cũng hỗ trợ sản xuất các tế bào T trong ruột và do đó tăng cường hệ miễn dịch. Một số bệnh viện đang dùng ghee để uống cũng như tẩy ruột trong điều trị bệnh đường ruột như bệnh Crohn và viêm đại tràng loét. Còn các bác sĩ Ayurvedic từ lâu đã dùng xổ ruột bằng ghee để giảm viêm.
Ghee kích thích tiết acid dạ dày tốt cho quá trình tiêu hóa. Tiêu hóa tốt nghĩa là sức khoẻ tốt hơn và giảm cân.
5. Tâm trí và tinh thần
Y học cổ tuyền luôn quan niệm rằng tâm trí và cơ thể là một. Những nghiên cứu hiện đại tìm ra những chất hóa học gây cảm xúc tiêu cực được mỡ hấp thụ và hòa trộn vào trong đó, do vậy người trầm cảm hay bị béo lên vì cơ thể phải sản xuất ra nhiều mỡ. Ghee có thể được sử dụng để thay cho mỡ trong cơ thể, nhất là khi thải độc đúng cách thì các độc tố này bị ghee thẩm hút, hòa vào đó, rồi thải khỏi cơ thể.
Trong Ayurveda, ghee được coi là một trong những thực phẩm có nhiều chất sattvic (tinh khiết) nhất. Thực phẩm satvic tăng cường khả năng sinh sản, sinh lực, sức mạnh, tăng trưởng và mở rộng ý thức, làm sắc bén trí tuệ, cân bằng tâm trí.
Ngoài những tác dụng vốn có, ghee còn được dùng rộng rãi như dược phẩm khi kết hợp với thảo dược trong Ayurveda. Nhờ khả năng xâm nhập vào tế bào và vượt qua hàng rào máu não, ghee được coi là phương tiện hiệu quả để vận chuyển dược chất của thảo mộc rất sâu vào mô cơ thể con người. Trong hàng ngàn năm Ayurveda đã tạo ra rất nhiều ghee thảo dược (medicated ghee), còn gọi là ghrita. Các thảo mộc pha vào ghee sẽ tăng cường hiệu quả điều trị của chúng.
Nhìn chung ghrita (ghee thảo dược) được làm như sau. Thảo mộc được sắc bằng nước trong thời gian dài. Sau đó chắt lọc ra để lấy nước thuốc sắc với các dược chất hòa tan trong nước. Sau đó hòa nước thuốc này với ghee, rồi sắc cho đến khi nước bốc hơi hết. Khi đó ghee thảo dược sẽ được ngấm tất cả dược chất hòa tan trong nước cũng như hòa tan dầu của các thảo mộc. (Hình 3)
Như đã nói, Ayurveda coi ghee tự thân nó đã là một loại thuốc, đặc biệt là các mô não và thần kinh. Ghee cũng nhẹ hơn và thâm nhập tốt hơn các loại dầu khác, vì vậy các dược tính của thảo dược trong ghritas được các mô cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn.
Trong ghritas, ghee cũng hoạt động như phương tiện vận chuyển các dược tính chiết xuất từ thảo mộc qua màng tế bào, bức tường chỉ có các phân tử chất béo mới thẩm thấu qua được.
Cấu thành chủ yếu của tế bào não là chất béo bão hòa, ghee là một trong số ít loại dầu có thể dễ dàng vượt qua hàng rào máu não. Đó là lý do người ta thường dùng ghrita với các loại thảo mộc có lợi cho não bộ và hệ thần kinh, để thúc đẩy trí tuệ và trí nhớ, như Sâm Ấn Độ (Ashwagandha), Thiên Môn Chùm (Shatavari) và Rau Đắng Biển (Brahmi).
Có rất nhiều công thức làm các loại ghee thảo dược khác nhau, để dùng với thức ăn khác nhau và trị triệu chứng sức khỏe khác nhau. Sau đây là một số thảo mộc thông dụng hay được dùng để nấu ghrita (theo vần chữ cái tiếng Anh – Hình 4):
• hạt tiêu (black pepper)
• quế (cinnamon)
• đinh hương (clove)
• rau mùi (coriander)
• thì là Ai Cập (cumin)
• tiểu hồi hương (fennel)
• oải hương (lavender)
• tía tô đất (lemon balm)
• nhục đậu khấu (nutmeg)
• cánh hoa hồng (rose petals)
• đại hồi (star anise)
• nghệ (turmeric)
Nguyễn Hải
04.09.2017
Tham khảo
https://en.wikipedia.org/wiki/Ghee
https://vi.wikipedia.org/wiki/Mahabharata
https://en.wikipedia.org/wiki/Kaurava
https://en.wikipedia.org/wiki/Gandhari_(character)