Vì Sao Tôi Quyết Tâm Dạy Các Em Viethealthy Cách Làm Dầu Dừa Lạnh?

VÌ SAO TÔI QUYẾT TÂM DẠY CÁC EM VIETHEALTHY CÁCH LÀM DẦU DỪA LẠNH?


Trước tiên, xin chia sẻ nhận xét của một trong những bạn trên FB inbox cho tôi: “Hôm trước em tự làm dầu dừa lạnh từ nguyên liệu trái dừa, xay cơm dừa, rồi tự vắt nước dừa, thấy mùi nhẹ, hơi có mùi men chua. Sau đó, mua mấy chai dầu dừa ép lạnh Sx tại bến tre thì thấy mùi dừa nấu, nặng mùi, và khong hề có mùi men chua. Loại này chỉ khác dầu dừa ép nóng thông thường ở màu sắc trắng trong. Em cũng hơi nghi ngờ. Hôm qua mới mua chai dầu chỗ chị bán thì thấy mùi vị giống cái sản phẩm em tự làm, thế mới biết mấy loại dầu ép lạnh mình mua không phải là ép lạnh rồi. Cảm ơn chị nhiều”.

 

Tôi biết tác dụng của dầu dừa lần đầu vào năm 2009, cùng với khái niệm dầu dừa tinh khiết lạnh. Từ những năm đó, khi có dịp sang Singapore, tôi đều bê về vài lít dầu dừa. Giá dầu tinh khiết lạnh (cold ressed virgin coconut oil) ở Singapore lúc đó quãng trên 50 SGD (đô la Sin)/kg – tức là quãng USD40/kg. Từ đó, đi đến nước nào, cũng để ý xem dầu dừa của họ ra sao. Rồi tôi bắt đầu tự nấu dầu theo phương pháp truyền thống (nghĩa là vắt nước cốt rồi nấu 3-4 tiếng trên bếp) – quãng 5,5 – 6 kg cơm dừa mới ra được một lít dầu, mà hễ lửa quá đà một chút là dầu hao hơn nhiều.

 

Tôi ức lắm, lại càng dấn vào tìm kiếm. "Con bé tôi" vốn bướng bỉnh từ bé, thích gì là "nằng nặc" làm bằng được, bắt đầu chiến dịch tìm cách làm dầu dừa lạnh để dùng. Xem trên mạng, chỉ dừng lại ở bước giảm được thời gian nấu xuống còn độ 30 – 60 phút. Thời điểm đầu năm ngoái, đây cũng là sáng kiến tốt rồi. Tuy vậy, dầu làm ra hơi bị mùi chua, và nếu không để tủ lạnh thì nhanh hỏng.

 

Khi chia sẻ về chế độ ăn uống lành mạnh đảm bảo sức khỏe, thì dầu dừa và dầu olive extra virgin là hai thứ cực kỳ quan trọng. Dầu olive thì bán đầy ở các siêu thị, khỏi cần lo nguồn cung. Còn dầu dừa? Bạn bè hỏi dầu nào đảm bảo chất lượng, và làm sao xác định đó là dầu tươi lạnh thật? Lúc đó tôi thật sự không biết, nên chẳng dám khuyên bất cứ điều gì.

 

Thấy tôi cứ "lải nhải" nói về dầu dừa suốt ngày, chàng “ngứa tai” lắm, một mặt xách xe chở tôi lang thang Bến tre đến gần chục lần, để quyết tâm tìm xem dầu nào tốt, còn để có lời khuyên cho bạn bè khi được hỏi. Chúng tôi đến tham quan mấy nhà máy và cơ sở sản xuất dầu dừa, có nơi cho xem dây chuyền, có nơi từ chối. Nhưng có một điều chung, là hễ khi tôi hỏi về nguyên liệu đầu vào được lấy từ cơ sở nào, để chúng tôi đến tham quan và khảo sát, thì không ai cung cấp, mà câu trả lời chung là: “Chúng tôi đều lấy nguyên liệu từ các cơ sở gia công có uy tín”. Uy tín thế nào, sao họ không chỉ cho mình xem – là câu hỏi mà chúng tôi xoay qua xoay lại với nhau. Để rồi khi tự lọ mọ tìm đến các vựa sơ chế cơm dừa cung cấp cho các nhà máy, cả lũ thực sự giật mình…


Mặt khác, chàng cũng “kín đáo” sục sạo tìm tài liệu trên FB, rồi một ngày, chàng reo lên “Ơ re ca” – tìm ra rồi. Chàng download cho tôi một đống tài liệu, dày “chỉ” quãng hơn 500 trang, thế là tôi cắm đầu đọc. Đọc xong, so sánh với những gì mình “mục sở thị” ở vùng dừa, tôi lại giật mình…Tôi hiểu ra một điều rằng: ở Việt nam chưa có, và chẳng biết bao giờ mới có dầu dừa tươi lạnh tinh khiết, với chất lượng đảm bảo vệ sinh như trong các tài liệu tôi đọc.


Vậy thì nếu muốn có dầu dừa tươi lạnh đúng tiêu chuẩn, trước tiên là để “tự sản tự tiêu”, chỉ có cách là tôi đọc, chàng liên lạc với các chuyên gia viết tài liệu đó, rồi học và hướng dẫn các em TransViet (là những người đã gắn bó với tôi 16 năm trời, đủ hiểu nhau về đạo đức kinh doanh), để các em tổ chức cùng nhau làm.

 

Bao nhiêu tháng mầy mò, hỏng, làm lại, lúc được lúc hỏng – để rồi những mẻ dầu thử nghiệm đầu tiên thành công (mà nhà tôi trở thành xưởng sản xuất thử), cả mấy anh chị em reo hò ầm ĩ. Dầu không chỉ trong vắt, mà khi ngửi mùi thơm dịu như ngửi chính cơm dừa tươi, ai cũng thốt lên: “À, ra cái mùi dầu tươi lạnh nó phải thế này, chứ không khen khét hoặc bốc mùi thơm lừng như mùi kẹo của các loại dầu bán trên thị trường mà mình vẫn biết, vẫn quen thuộc”.

 

Chỉ đến lúc đó tôi mới hiểu: tại sao những chai dầu dừa tinh khiết lạnh tôi mua ở nước ngoài cũng không có mùi thơm dịu nhẹ như vậy? Đó là do công nghệ sản xuất. Hầu hết các loại dầu lạnh tinh khiết được bán trên thị trường thế giới (chưa nói đến ở Việt nam), vẫn chủ yếu được sản xuất bằng cách ép dầu từ cơm dừa nạo sấy khô, riêng khâu ép dầu được kiểm soát ở nhiệt độ dưới 50 độ C. Tất nhiên, họ có những yêu cầu ngặt nghèo về chất lượng cơm dừa sấy để cho ra dầu dừa lạnh tinh khiết. Việc sấy khô cơm dừa (coi là đã được rang chín), ngoài việc làm mất đi các vitamin và enzymes, thì còn làm mất luôn vị thơm dịu nhẹ của cơm dừa thực sự tươi sống. Nhưng ép theo công nghệ này thì được nhiều dầu hơn một cách đáng kể, máy móc giá cũng rẻ - nên giá thành của dầu rẻ hơn nhiều so với chiết và tách từ sữa dừa tươi. Mấy tháng nay, khi có dịp đi nhiều siêu thị ở nước ngoài, tôi đều cố tìm loại dầu dừa làm bằng phương pháp lên men thủ công, hoặc ép ly tâm (centrifuge) từ sữa dừa, mà không hề có.

 

Sau khi gặp và được ông Keith Chapman “giáo huấn” 3-4 ngày, chúng tôi có thể tự hào khi nghĩ rằng: trong những người quan tâm đến dầu dừa, vì hiểu những tác dụng tuyệt vời của nó với sức khỏe con người – chúng tôi có hiểu biết khá rõ về các phương pháp sản xuất dầu dừa, cũng như chất lượng dầu.

 

Vì vậy, từ nay, khi nào bạn bè muốn hỏi tôi là dầu của hãng A, xưởng sản xuất B…, chất lượng có tốt không, thì tôi cần làm như sau, mới có thể có nhận xét chính xác về chất lượng dầu:


1. Tận mắt xem và ngửi sản phẩm


2. Biết rõ về phương pháp tách ép dầu, cũng như công nghệ họ áp dụng


3. Chất lượng đầu vào của cơm dừa hoặc sữa dừa


Sản Phẩm Có Thể Bạn Quan Tâm