BÀI 5: NGUYÊN TỐ VI LƯỢNG
Các chất dinh dưỡng vi lượng cần cho cơ thể với số lượng nhỏ và rất nhỏ. Dù không cung cấp năng lượng nhưng chúng cực kỳ quan trọng, bởi không có chúng, rất nhiều phản ứng hóa học trong cơ thể không thể xảy ra.
Nhóm này gồm hai loại: khoáng chất và vitamin.
2.1.KHOÁNG CHẤT
Khoáng chất chiếm khoảng 4% trọng lượng cơ thể. Cơ thể không tự tạo được khoáng chất, nên cần cung cấp từ thực phẩm. Khoáng chất là dinh dưỡng thiết yếu, với ít nhất 18 loại được coi là tối quan trọng, không thể thiếu để cơ thể phát triển, sinh sản và hoạt động bình thường.
Phân loại
1>Khoáng chất đa lượng
Tỉ lệ tương đối cao trong cơ thể. Cơ thể cần ít nhất 100mg mỗi ngày, thậm chí đến hàng gam. Canxi là khoáng chất phổ biến nhất, chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể người trưởng thành - trong 50kg của bạn có tới 1 kg canxi, tập trung hơn 99% trong xương và răng. Những khoáng chất đa lượng là canxi, phốt pho, kali, natri, clo, magiê và lưu huỳnh.
2>Khoáng chất vi lượng
Cơ thể cần dưới 100mg/ngày, có loại ít hơn nhiều. Như iốt chỉ cần 0,0225mg trong cơ thể nhưng là yếu tố thiết yếu để sản xuất hormone tuyến giáp. Khoáng chất vi lượng thiết yếu là sắt, kẽm, đồng, mangan, iốt, flo, crom, coban, selen, molypden, silic và vanadi.
2.2.VITAMIN
Là hợp chất hữu cơ cần thiết với số lượng nhỏ, giúp duy trì sự sống khi thực hiện rất nhiều chức năng trong cơ thể, chủ yếu liên quan đến chuyển hóa năng lượng. Chúng là những chất dinh dưỡng thiết yếu vì cơ thể không thể tự sản xuất đủ, nên phải được cung cấp từ thức ăn. Thiếu hụt vitamin có thể gây ra nhiều bệnh, vì vậy bệnh thường tự khỏi khi được bổ sung vitamin.
Có 13 loại vitamin với cấu trúc hóa học và chức năng khác nhau, được chia thành các vitamin tan trong chất béo, gồm vitamin A, D, E và K - thiếu chất béo cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc hấp thụ các vitamin này. Loại tan trong nước, gồm tất cả vitamin B (8 loại) và vitamin C. Cơ thể không sản xuất được hầu hết vitamin mà phải nạp từ thực phẩm. Một vài vitamin có thể được tổng hợp trong cơ thể từ chất gọi là tiền chất vitamin (pro-vitamin).
Vitamin đặc biệt quan trọng với sự phát triển của thai nhi. Các khoáng chất và vitamin tạo điều kiện cho phản ứng hóa học tạo ra da, xương, cơ bắp và các bộ phận của đứa trẻ. Nếu bị thiếu hụt nghiêm trọng một hoặc nhiều chất dinh dưỡng, trẻ có thể bị bệnh, một thiếu sót nhỏ cũng có thể gây ra thiệt hại không thể sửa chữa trong tương lai.
Ở người lớn, vitamin vẫn là dưỡng chất thiết yếu duy trì các tế bào, mô và các cơ quan; chúng cũng giúp ta sử dụng hiệu quả năng lượng từ thực phẩm, xử lý chất đạm, đường bột và chất béo cần thiết cho quá trình hô hấp tế bào.
Không nên lạm dụng vitamin, nhất là B3, B6, C, D và vì chúng có độc tính cấp tính hoặc mạn tính khi dùng quá nhiều. Khó mà tiêu thụ quá nhiều vitamin từ thực phẩm, nhưng điều này có thể xảy ra khi ta uống bổ sung vitamin công thức, nhất là với trẻ em. Gần đây có hiện tượng nhiều người có tuổi tích cực uống bổ sung các loại vitamin, nhiều khi quá liều. Cho đến giờ khoa học cũng chưa dám nhận đã hiểu hết về vitamin, kể cả các chính phủ đưa ra những khuyến cáo khác nhau về giới hạn hay khẩu phần vitamin hằng ngày. Ví dụ vitamin B6 được chính phủ Mỹ khuyến cáo không nên dùng quá 100mg mỗi ngày, nhưng mức chặn trên của châu Âu chỉ là 25mg. Con số tương tự với vitamin ở Mỹ là 1000 mg/ngày, còn châu Âu khuyến cáo không dùng quá 300 mg/ngày.
Hầu hết vitamin không bền với nhiệt, có nghĩa là thực phẩm mất nhiều vitamin trong quá trình nấu nướng (trung bình mất 30%). Trong nhiều trường hợp rau sạch đóng hộp còn tốt hơn rau quả tươi vì không phải rửa nhiều và cần thời gian ngắn để nấu chín. Nếu rau quả tươi được nấu cho đến khi mềm nhũn thì toàn bộ vitamin đã mất hết.
3.ENZYMES
Enzymes là các loại đạm được cơ thể sử dụng để giúp đẩy nhanh các phản ứng hóa học chuyển hóa trong cơ thể. Enzymes giữ vai trò rất quan trọng với quá trình tiêu hóa đồ ăn thức uống, chức năng gan...Quá nhiều hoặc quá ít enzymes đều không tốt cho sức khỏe.
Cơ thể con người tự sản xuất ra enzymes. Nó cũng có thể được sản xuất trong các nhà máy.
Chức năng quan trọng nhất của enzymes là trợ giúp qua trình tiêu hóa – chuyển hóa đồ ăn thành năng lượng. Enzymes có trong nước bọt, tụy, đường ruột, dạ dày. Enzymes giúp cơ thể tiêu hóa được chất béo, đạm và đường bột.
Enzymes không chịu được nhiệt độ trên 45 – 50 độ C. Vì vậy, quá trình nấu sẽ diệt toàn bộ enzymes từ đồ ăn thức uống.
4.HỆ VI SINH (MICROBIOME)
Khoảng 15 năm trở lại đây, giới khoa học tranh cãi về giá trị của tỷ lệ B:H, trong đó B viết tắt của bacteria (vi khuẩn) còn H là human (con người) - dùng để đánh giá tỷ trọng tế bào vi khuẩn so với số tế bào người trong chính cơ thể chúng ta. Vì cả tử và mẫu số đều chỉ là con số ước đoán, nên kết quả không thống nhất. Nhiều bài báo khoa học đã bình luận chúng ta có “tính vi khuẩn” hơn “tính người” nhiều lần, bởi hơn 35 nghìn tỷ tế bào người chỉ chiếm chưa tới 10% tổng số tế bào tồn tại và đồn trú trong cơ thể, còn lại là tế bào vi sinh vật. Gần đây con số này được điều chỉnh quanh tỷ lệ 1:1. Dù số đó là bao nhiêu, hệ vi sinh vẫn đóng vai trò rất quan trọng với sức khỏe con người. Dù chưa được thật sự hiểu một cách nhất quán, sơ bộ “hệ vi sinh” là một xã hội chứa nhiều quần thể đông đảo vi sinh vật trú ngụ ở bên trong và da của cơ thể người. Kích thước mỗi sinh vật này chỉ bằng 1/100 đến 1/10 kích thước tế bào, nhưng với số lượng khổng lồ, cả hệ vi sinh của cơ thể nặng khoảng 1,5kg, tương đương trọng lượng bộ não. Nhiệm vụ của chúng cực kỳ đa dạng. Một số ít là mầm bệnh có hại, còn hầu hết là vi sinh vật là có ích hoặc hoàn toàn vô hại. Chúng sống ký sinh, hội sinh (commensal) hay cộng sinh (symbiotic) trong cơ thể người. Như vậy hệ vi sinh cần đến cơ thể con người như chủ hộ, hay là cái nhà. Đổi lại chúng giúp ta tiêu hóa thức ăn, hấp thụ vitamin, khoáng chất và đặc biệt là trợ giúp miễn dịch bằng cách huấn luyện cho hệ miễn dịch.
Chúng sống khắp cơ thể, ở đâu có mô và dịch. Hiện đang phân biệt hơn 10 nơi có cộng đồng vi sinh đặc trưng, gồm da, kết mạc, tuyến vú, nhau thai, âm đạo, tử cung, tinh dịch, phổi, niêm mạc miệng, đường mật và đường tiêu hóa
Hệ vi sinh được coi là bộ gene thứ 2 của con người. Sẽ còn rất nhiều khám phá về hệ vi sinh nhờ vào những tiến bộ trong công nghệ di truyền, rất có thể sẽ thay đổi hoàn toàn quan niệm của chúng ta về sức khỏe, bệnh tật và chữa bệnh.
Hệ vi sinh đường ruột được coi là hệ vi sinh quan trọng bậc nhất của cơ thể. Chúng thường được đánh đồng với hệ vi khuẩn đường ruột - vì những vi sinh vật khác như cổ khuẩn, sinh vật nguyên sinh, nấm, virus và ký sinh trùng cũng có mặt trong microbiome của đường tiêu hóa, nhưng hoạt động của chúng ít được biết đến. Đây là hệ vi sinh phức tạp với số lượng và số loài lớn hơn nhiều lần so với các vùng khác của cơ thể. Ruột già có hệ sinh thái vi khuẩn lớn nhất trong cơ thể. Vi khuẩn chiếm phần lớn hệ vi sinh trong đại tràng, với 300 - 1000 loại, tạo thành 60% - 70% khối lượng phân khô.
Thành phần chính của hệ vi sinh đường ruột gồm:
-Tầng lớp bình dân hội sinh (commensal). Cư dân bình thường và đông đúc nhất trong ruột. Dù một số vi khuẩn có thể có hại, nhưng phần lớn tầng lớp này giúp duy trì sức khỏe đường ruột.
-Phần tử cơ hội (Opportunistic). Chỉ cư ngụ rải rác, nhưng khi tầng lớp thiện dân bị suy yếu thì lũ vi khuẩn này vùng dậy sinh sôi nảy nở và gây hại.
-Nấm (fungi). Vốn là dân tộc thiểu số lương thiện, nhưng một số loại như nấm candida mang tính cơ hội cao, có thể bùng lên sinh sôi khi được mùa đường bột, hoặc khi thuốc kháng sinh triệt hết dân lành, để lại miền đất trống cho chúng tự tung tự tác.
-Mầm bệnh (pathogens). Vi khuẩn gây bệnh thường vượt biên vào ruột qua đường ăn uống. Bọn này có thể là virus hay ký sinh trùng, gây ra nhiều bệnh tật như tiêu chảy, nôn mửa, giun...
Các yếu tố của cuộc sống hiện đại phá hoại hệ vi sinh:
-Thuốc kháng sinh
-Dược phẩm không phải kháng sinh
-Đẻ mổ
-Chế độ ăn uống hiện nay
-Thực phẩm biến đổi gen (GMO)
-Giấc ngủ và nhịp sinh học bị gián đoạn
-Căng thẳng lâu dài
-Nhiễm trùng mãn tính
Men tiêu hóa (probiotic): một số thực phẩm giàu men tiêu hóa (lợi khuẩn): sữa chua, kefir, kombucha, một số loại phomai, các loại đồ muối
Link : https://safechat.com/post/3075381153436989305