CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG LÀNH MẠNH, ĐỦ CALORIES, CHẤT XƠ, VITAMIN, KHOÁNG CHẤT, ENZYMES, MEN TIÊU HÓA. BÀI 8: THỨC ĂN ĐƯỢC TIÊU HÓA RA SAO

Quay Lại




BÀI 8: THỨC ĂN ĐƯỢC TIÊU HÓA RA SAO

1.Đường đi của thức ăn
Con đường từ miệng đến hậu môn của thức ăn đi qua nhiều công đoạn với thời gian rất khác nhau, trong khoảng 12 đến 72 tiếng.
-Miệng
-Họng
-Thực quản
-Dạ dày: 3- 6 tiếng
-Ruột non (6 m): 2 – 6 tiếng
-Ruột già (1,5m): 4 – 72 tiếng
-Kết tràng: hấp thụ tiếp các dinh dưỡng còn lại: vitamin K, các khuẩn của hệ vi sinh sẽ lên men chất xơ sản xuất chất béo chuỗi ngắn. Chính là lý do hệ vi sinh đường tiêu hóa chủ yếu nằm ở kết tràng
-Trực tràng: tống phân ra ngoài càng nhanh càng tốt
2.Quá trình tiêu hóa đồ ăn
Các chất đa lượng được tiêu hóa với nhiều cơ chế, tại các giai đoạn khác nhau trong đường tiêu hóa, với những điều kiện khác nhau:
Tiêu hóa đường bột (carb): quãng 5% tinh bột bị phân giải trong miệng. Trong dạ dày nó được nghiền nhỏ hơn và trộn đồng đều thành hỗn hợp. Tại ruột non, dịch tụy tiết ra từ tuyến tụy, dịch ruột từ lông ruột - tất cả đều chứa nhiều enzyme amylase, tinh bột phức tạp được phân giải thành đường đơn giản (glucose, fructose và galactose), thấm qua thành ruột vào máu, theo hệ tuần hoàn đến khắp cơ thể. Cơ quan đầu tiên tiếp nhận là gan, rồi tiếp tục được chuyển hóa hoặc trữ theo sự điều khiển của hệ nội tiết

Tiêu hóa chất đạm (protein): thức ăn chứa đạm được nhai nghiền trong miệng, đẩy xuống dạ dày. Quá trình phân giải xảy ra ở dạ dày, khi dịch vị chứa axit hydrochloric và enzyme pepsin hoạt động trong môi trường axit bắt đầu tách các chuỗi protein thành các mảnh nhỏ. Sự co thắt cơ học của dạ dày giúp trộn protein. Quá trình tiêu hóa protein phần lớn xảy ra ở ruột non. Tuyến tụy tiết dịch tiêu hóa có chứa các loại enzyme bẻ nhỏ các phân tử protein. Thành ruột non giải phóng các enzyme hoạt động trong môi trường kiềm để phân tách các đoạn protein đơn giản hơn thành các axit amin riêng lẻ. Tiếp tục di chuyển trong ruột non, các axit amin được thành ruột hấp thu vào mạch máu và đẩy vào gan.
Tiêu hóa chất béo: một phần chất béo được phân giải hóa học khi trộn với nước bọt trong miệng. Khi bị nhai nhỏ và nhũ hóa, chất béo trong thức ăn tiếp xúc với enzyme lipase và bị thủy phân thành những giọt li ti, tách khỏi môi trường nước. Các enzyme lipase trong dạ dày tiếp tục phân giải mỡ béo thành diglyceride và axit béo, hoạt động co bóp của dạ dày nhào chúng vào dưỡng chấp. Tuy nhiên rất ít chất béo được xử lý hóa học ở đây. Chất béo không hòa tan được trong nước nên phải đợi tới ruột non, dịch mật chứa nhiều muối mật mới nhũ hóa được chất béo, tức là giữ cho các phân tử lơ lửng trong nước - do vậy tăng diện tích bề mặt của hạt chất béo tới hơn 1000 lần để tiếp cận tốt với các enzyme lipase. Các enzyme này phân giải chất béo thành dạng đơn giản là axit béo và monoglyceride. Chúng lại được muối mật bọc lại thành các micelle để hòa vào nước và đi đến các lông ruột. Tại đây chúng cởi áo micelle và ngấm qua thành ruột để đi vào máu.
3.Thời gian tiêu hóa
Trước khi thức ăn vào ruột già rồi được thải ra ngoài, các dưỡng chất trải qua con đường tiêu hóa rất khác nhau, tùy thuộc vào thành phần thức ăn, cách nấu nướng, cách ăn uống và tất nhiên cả giới tính, thể trạng của từng người. Mặt khác, rất khó xác định tách biệt thời gian tiêu hóa từng loại thức ăn, các tài liệu thường chỉ đánh giá thời gian từ lúc ăn đến khi thức ăn rời khỏi dạ dày mà bỏ qua thời gian thức ăn chu du tại ruột non, nơi diễn ra quá trình tiêu hóa rất quan trọng và kéo dài.

Nhìn chung, thực phẩm chứa dưỡng chất có thành phần càng phức tạp thì tiêu hóa càng chậm. Ví dụ như với đường bột, là chất được tiêu hóa nhanh nhất, những loại đường đơn giản tiêu hóa nhanh và vào máu ngay, chất bột càng phức tạp (như thực phẩm nguyên cám) sẽ ở càng lâu trong hệ tiêu hóa. Sau đó đến protein, ăn nhiều nó làm tăng thời gian thức ăn trong dạ dày, khiến ta cảm thấy no lâu. Chất béo mất thời gian tiêu hóa lâu nhất, nhưng lại còn tùy vào độ phức tạp (độ dài) của phân tử axit béo.
Link : https://safechat.com/post/3079719261366375883