Cơ thể thải độc như thế nào?
- Cơ thể vốn được thiết kế để tự thải độc rất tài tình qua 5 cơ quan chính là gan, ruột, thận, phổi và da - trong đó gan, ruột và thận xử lý phần lớn chất độc – thông qua hai kênh giao thông thiết yếu là hệ tuần hoàn và hệ bạch huyết. Khi các cơ quan và hệ thống thải độc hoạt động không thông suốt, hoặc chất độc được sinh ra quá nhiều so với khả năng xử lý của cơ thể, chúng tích tụ lại để rồi lâu dần sinh bệnh.
- Hai dạng chất độc chính cơ thể phải đối phó là loại tan trong nước và loại tan trong chất béo. Các độc tố hòa tan trong nước được thải tương đối dễ dàng qua máu rồi bị loại ra ngoài qua nước tiểu, mồ hôi và phân. Vấn đề lớn nhất của loại độc tố này là chúng dễ quay ngược lại vào máu nếu ta bị tắc mồ hôi, bí tiểu hay táo bón.
- Nhưng xử lý độc tố hòa tan trong chất béo phức tạp hơn nhiều. Để thải được những thứ này, thường là kim loại nặng, thuốc trừ sâu, chất bảo quản, chất ô nhiễm, nhựa hay các hóa chất môi trường,… trước hết chúng cần phải được chuyển đổi (chủ yếu tại gan) thành chất tan được trong nước rồi mới có thể thải được ra ngoài.
- Khi hệ thống thải độc tại ruột và gan không loại hết được chất độc hòa tan trong chất béo, cơ thể cất giữ chúng vào các tế bào mỡ để tránh cho ta khỏi bị tác hại trực tiếp do chúng gây ra. Tuy nhiên cơ chế bảo vệ này sinh ra nhiều mỡ và trở thành một trong những nguyên nhân chính của bệnh béo phì và nhiều bệnh liên quan khác.
- Chất độc không chỉ được trữ vào lớp mỡ dưới da mà còn được cất trong mỡ nội tạng bao quanh tim, gan, tuyến tụy, thận, đường tiêu hóa làm các cơ quan nội tạng dễ bị nhiễm độc và là thủ phạm cho các bệnh tiểu đường, gút, tim mạch, rối loạn chức năng trao đổi chất, ung thư… Còn nguy hiểm hơn khi chất độc được lưu trữ vào các tế bào mỡ của não và hệ thần kinh. Chất béo vốn chiếm 60-80% thành phần não và bao bọc tất cả các dây thần kinh để cách nhiệt và cải thiện tín hiệu thần kinh. Bởi vậy độc tố tích tụ hay dẫn đến biểu hiện như lờ đờ, đau đầu, chán nản, hay cáu gắt, mất ngủ, tê chân tay.